04 tháng 7 2022
30 tháng 6 2022
[LUẬN VỀ DANH NGÔN & DANH NHÂN] - KỲ 1 - “Ai cũng có thể trở nên vĩ đại, vì ai cũng có thể trở nên phụng sự” - MARTIN LUTHER KING
MARTIN LUTHER KING – “Ai cũng có thể trở nên vĩ đại, vì ai cũng có thể trở nên phụng sự”
Danh nhân MARTIN LUTHER KING đã
nói – “Ai cũng có thể trở nên vĩ đại, vì ai cũng có thể trở nên phụng sự”.
TK (*) – Nghiệm:
NHỮNG ĐIỀU GIÚP TA NHẬN RA Ý NGHĨA CUỘC
SỐNG
- Ta nhận ra rằng “kẻ mạnh thực sự” là kẻ có thể nâng đỡ
người khác trên đôi vai của mình, chứ không phải là kẻ tiến lên bằng cách giẫm
đạp trên vai của người khác.
- Ta nhận rằng kẻ mạnh thực sự - đã từng
là kẻ yếu và giờ đây họ muốn đứng lên - để bảo vệ kẻ yếu - và đó là lý do tại
sao họ trở thành kẻ mạnh.
- Cuộc đời vốn dĩ không tươi sáng -
vì ngay sinh ra mọi người đã chào đón cuộc đời bằng "tiếng khóc",
nhưng có cách nào đó để làm cho nó trở nên tươi sáng - thì đó là "chính cuộc
đời ta" phải trở nên tươi sáng.
- Trường học dạy ta những bài học -
sau đó "trả bài" qua các kỳ thi. "Trường đời" dạy ta qua
cách kỳ thi (thử trách) và trả bài ta qua các bài học (mà ta đã học từ cuộc đời).
- Chỉ có những đứa con nít mới mong một
thế giới không có vấn đề, những người trưởng chấp nhận các thử thách - vượt qua
nó và họ trưởng thành hơn.
- Thế giới đầy rẫy những kẻ ba hoa -
chỉ bởi mong muốn che đậy sự xấu xa và những góc khuất nơi chính trong con người
họ. Để sống với nhau, con người không nhất thiết phải trở nên hoàn hảo - nhưng
nhất thiết phải "chân thật".
- Mặc dù không mong muốn, nhưng cuộc
đời có những ngày tuyệt vọng đến cùng cực, nhưng nếu chịu đi đến tận cùng của
tuyệt vọng - ta thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.
- Càng học nhiều hơn - càng làm nhiều
hơn, ta càng trưởng thành hơn. Càng chơi nhiều hơn - càng thiếu trách nhiệm nhiều
hơn, con người ngày càng trở nên rẻ rúng hơn.
- Cuối cùng, sau những rong ruổi của
cuộc đời - ta nhận ra rằng "Chân lý
cuối cùng trong cuộc đời này là yêu. Yêu là còn sống và còn sống là còn
yêu".
- Cuối cùng, “Ai cũng có thể trở nên vĩ đại, vì ai cũng có thể trở nên phụng sự.”
Thông điệp từ TRẦN TRUNG KIÊN (TK) | ROYAL AUTHOR | ROYAL ADVISOR
29 tháng 6 2022
MARTIN LUTHER KING – BÀI DIỄN VĂN “TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ”
MARTIN LUTHER KING – BÀI DIỄN VĂN “TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ”
Một trăm năm trước đây, một người Mĩ
vĩ đại mà chúng ta giờ đây đứng dưới bóng của ông, đã ký một bản Tuyên ngôn giải
phóng. Tuyên ngôn lịch sử này đã trở thành ngọn đuốc hy vọng cho hàng triệu nô
lệ Negro, những người đã bị thiêu đốt trong ngọn lửa của sự bất công. Nó đến
như vầng dương chấm dứt đêm dài tăm tối. Nhưng một trăm năm sau, chúng ta lại
đang phải đối mặt với một sự thật bi kịch khác, người Negro vẫn chưa được tự
do.
Một trăm năm sau, cuộc sống của người
Negro vẫn bị kéo lê bởi xiềng xích của sự cách ngăn và cùm gông của nạn kỳ thị.
Một trăm năm sau, người Negro vẫn đang phải sống trên hoang đảo nghèo đói giữa
biển cả phồn vinh. Một trăm năm sau, người Negro vẫn tiều tụy lang thang nơi
góc phố tối tăm trên đất Mĩ, chỉ thấy chính họ là kẻ lưu vong trên ngay mảnh đất
quê hương mình.
Bởi vậy, chúng ta cùng nhau có mặt tại
đây hôm nay cất chung tiếng nói về điều kiện thương tâm của chúng ta. Theo một
nghĩa nào đó, chúng ta đã tới thủ đô để đòi một khoản nợ. Khi các nhà kiến trúc
sư của nền dân chủ Hoa Kỳ viết xuống những lời tuyệt đẹp cho bản Hiến pháp và
Tuyên bố Độc lập, họ đã ký nhận vào một tờ tín phiếu theo đó mọi công dân Mĩ đều
có quyền thừa kế.
Tờ tín phiếu này mang theo một lời hứa
hẹn rằng mọi người dân đều được đảm bảo quyền không thể tách rời là quyền được
sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng hôm nay, thực tế hiển
nhiên cho thấy nước Mĩ đã thất hứa vì rằng màu da của người dân Mĩ lại bị xem là
rào cản trong việc sử dụng tờ tín phiếu này. Thay vì trân trọng thực hiện trách
nhiệm thiêng liêng ấy, nước Mĩ đã trao
cho người dân Negro một tờ séc khống không có giá trị thanh toán. Nhưng
chúng ta không tin rằng ngân hàng công lý đã bị phá sản. Chúng ta không tin rằng
quốc gia không có đủ ngân quỹ trong hầm dự trữ chứa đầy những cơ hội của đất nước
này.
Bởi vậy, chúng ta đến đây để đòi nợ,
một khoản nợ về quyền tự do và sự đảm bảo về công lý. Chúng ta có mặt tại nơi
linh thiêng này để nhắc nhở nước Mĩ về sự cấp thiết trong thời điểm hiện nay.
Lúc này không phải là thời điểm của sự nhượng bộ thỏa hiệp hay xoa dịu bằng những
viên thuốc an thần. Giờ là thời điểm mở tung cánh cửa cơ hội cho tất cả những
người con của Chúa. Giờ là thời khắc đưa dân tộc ta từ vũng lầy của bất công kỳ
thị tới một nền tảng vững chắc của tình đoàn kết anh em.
Sẽ là tai họa cho cả dân tộc nếu lờ
đi tính cấp bách của thời cuộc hiện nay và đánh giá thấp lòng quyết tâm của người
dân Negro. Không khí ngột ngạt oi bức chứa đầy sự bất bình trong mùa hè này
chưa thể qua đi tới khi có được làn gió thu của tự do và công bằng tiếp sinh lực.
Những ai có hy vọng rằng người Negro cần phải xả bớt sự căng thẳng và hài lòng
với những gì đã có sẽ bị vỡ mộng nếu như đất nước này trở lại với công việc như
thường ngày. Nước Mĩ sẽ chưa thể bình yên, chừng nào người Negro chưa giành được
quyền công dân của mình.
Cơn lốc của cuộc nổi dậy sẽ tiếp tục làm lung lay nền móng của quốc gia
này cho tới ngày thấy được ánh sáng của công lý. Trong quá trình đấu tranh giành lại
vị trí xứng đáng cho mình chúng ta không cho phép mình mắc phải những hành động
sai lầm. Hãy đừng thỏa mãn cơn khát bằng chén hận thù và đắng cay.
Chúng ta phải xây dựng các cuộc tranh đấu của mình trên nền tảng của các
giá trị và nguyên tắc.
Chúng ta không cho phép những chống đối biến thái thành các cuộc xung đột bạo lực.
Chúng ta phải đứng trên tầm cao của sự hòa trộn tâm lực và trí lực.
Tính chiến đấu thấm nhuần trong đông
đảo người dân Negro không được làm cho chúng ta mất lòng tin vào những người da
trắng. Rất nhiều những người anh em da trắng, như bằng chứng sự có mặt của các
bạn ở đây hôm nay, đã cho thấy vận mệnh của các bạn cũng là vận mệnh của chúng
ta và tự do của các bạn cũng gắn liền với tự do của chúng ta.
Chúng ta không thể bước những bước
đơn độc. Mỗi bước đi, chúng ta phải nối vòng tay bè bạn cùng đồng hành. Chúng
ta không thể quay trở lại. Có những người đang hỏi bạn, “Rồi chừng nào bạn mới
yên lòng?” Chúng ta sẽ không bao giờ thấy yên lòng khi mà ta không thể tìm được
một nơi trú ngụ trong một nhà nghỉ bên đường hay tại một khách sạn trong thành
phố sau chuyến đi mỏi mệt. Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào sự di chuyển của
một người Negro vẫn đơn giản chỉ là từ một khu ghetto nhỏ sang một khu ghetto lớn
hơn. Chúng ta chưa thể yên lòng chừng nào một người Negro ở Mississipi còn chưa
được quyền đi bầu cử, khi một người Negro ở New York còn tin rằng anh ta chẳng
có gì để đi bầu. Không, không, chúng ta không yên lòng, và chúng ta sẽ chưa thể
yên lòng cho tới ngày công lý được tuôn tràn như dòng thác, và công bằng sẽ như
một dòng sông cuộn chảy.
Tôi biết có những bạn tới đây vượt
qua những nỗi khổ đau, gian nan thử thách. Có những bạn mới vừa ra khỏi xà lim.
Có những bạn đến từ những nơi mà cuộc tìm kiếm tự do của bạn bị chà đạp bởi sự
ngược đãi cuồng bạo và bị cản trở bởi sự tàn bạo của cảnh sát. Các bạn đã trở
thành những người kỳ cựu về chịu đựng khổ đau. Tiếp tục tiến lên với niềm tin rằng
sự thống khổ oan ức là cứu thế.
Trở về Mississippi, trở về Alabama,
trở về Georgia, trở về Louisiana, trở về với những khu nhà ổ chuột ở các thành
phố phía bắc của chúng ta, chúng ta tin rằng bằng cách nào đó tình trạng này có
thể và sẽ đươc thay đổi. Hãy đừng đắm mình trong nỗi tuyệt vọng. Hôm nay, tôi
muốn nói với các bạn rằng, dù hiện tại có muôn vàn khó khăn và nỗi bức xúc, tôi
vẫn luôn mang trong mình một giấc mơ. Đó là một giấc mơ bắt nguồn từ giấc mơ nước
Mĩ.
Trong giấc mơ của tôi, tới một ngày đất
nước này sẽ cùng đứng lên và sống một cuộc sống với niềm tin “Chúng ta coi sự thực này là điều hiển
nhiên: con người sinh ra là bình đẳng”. Giấc mơ của tôi là một ngày kia,
trên những ngọn đồi ở Georgia, những đứa con của những người nô lệ và những đứa
con của những người chủ nô trước đây sẽ cùng ngồi bên chiếc bàn thân thiện của
tình anh em. Trong giấc mơ của tôi, thậm chí một ngày kia, bang Mississippi, một
hoang mạc ngột ngạt trong bầu không khí của bất công và kỳ thị, sẽ biến thành một
ốc đảo của tự do và công bằng. Trong giấc mơ của tôi, 4 đứa con tôi tới một
ngày sẽ được sống trong một đất nước mà ở đó giá trị của chúng được đánh giá bởi
chính ý chí, nghị lực cá nhân, chứ không phải bằng màu da. Ngày hôm nay, tôi có
một giấc mơ.
Tôi mơ một ngày kia bang Alabama, nơi
vị thống đốc hiện thời đang luôn mồm nói về quyền can thiệp và vô hiệu hóa sẽ
trở thành nơi các trẻ trai và trẻ gái da đen cùng nắm tay các bạn da trắng như
anh em một nhà. Hôm nay, tôi có một giấc mơ. Tôi mơ một ngày kia các thung lũng
rồi sẽ được lấp đầy, những quả đồi, ngọn núi sẽ được san bằng, mặt đất gồ ghề sẽ
trở nên phẳng phiu, những góc quanh co sẽ được uốn thẳng tắp, và sự huy hoàng của
Thiên Chúa sẽ được bộc lộ và mọi người cùng thấy. Đó là hy vọng của chúng ta.
Đó là niềm tin tôi sẽ mang theo về miền Nam. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ có thể
đập nát núi tuyệt vọng thành những viên đá hi vọng. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ
biến những tiếng kêu bất hòa trong lòng dân tộc thành bản giao hưởng êm ái của
tình đoàn kết anh em. Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ cùng sát cánh bên nhau, cùng
nguyện cầu, cùng chiến đấu, cùng vào nhà lao, cùng đứng lên vì tự do, vì chúng
ta biết rõ một ngày kia chúng ta sẽ tự do.
Đó sẽ là ngày tất cả những người con
của Chúa cùng hòa chung một bài ca: “Quê
hương tôi, miền đất thân yêu của sự tự do, của người tôi hát. Miền đất nơi cha
tôi đã nằm xuống, miền đất niềm tự hào của những người hành hương, từ mọi triền
núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do”. Và nếu nước Mĩ là một đất nước vĩ đại,
điều đó nhất định phải trở thành sự thực. Hãy để tự do ngân lên từ những ngọn
núi khổng lồ ở New Hampshire. Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi hùng vĩ
vùng New York. Hãy để tự do ngân lên trên những vùng cao Alleghenies miền
Pennsylvania! Hãy để tự do ngân lên trên những đỉnh núi Rockies tuyết phủ của
Colorado! Hãy để tự do ngân lên trên những núi đồi tròn trịa của California!
Không chỉ thế, Hãy để tự do ngân lên từ những đỉnh núi Stone Moutain của
Georgia! Hãy để tự do ngân lên trên ngọn Lookout Moutain của Tennessee! Hãy để
tự do ngân lên từ mọi triền đồi và vùng đất cao ở Mississippi. Từ mọi triền
núi, hãy ngân vang tiếng hát tự do.
Khi chúng ta để tự do ngân lên, khi tự
do ngân lên từ mọi làng quê, mọi thôn xóm, mọi thành phố và tiểu bang, chúng ta
sẽ có thể làm cho ngày ấy đến thật nhanh, ngày mà mọi đứa con của Thiên Chúa,
dù da trắng hay da đen, Do Thái hay không phải Do Thái, người theo đạo Tin Lành
hay công giáo La Mã, tất cả sẽ cùng nối vòng tay hát vang lời ca linh thiêng của
người Negro “Tự do đã đến, tự do đã đến,
xin cảm ơn Đức Chúa toàn năng, cuối cùng chúng ta đã tự do!”
(Theo Mai Lung Sơn dịch)
28 tháng 6 2022
NGUYỄN ĐÌNH THI – BÀI THƠ “ĐẤT NƯỚC” – “… Sáng mát trong như sáng năm xưa – Gió thổi mùa thu hương cốm mới – Tôi nhớ những ngày thu đã xa – Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội – Những phố dài xao xác hơi may – Người ra đi đầu không ngoảnh lại – Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”
NGUYỄN ĐÌNH THI – BÀI THƠ “ĐẤT NƯỚC” – “… Sáng mát trong như sáng năm xưa – Gió thổi mùa thu hương cốm mới – Tôi nhớ những ngày thu đã xa – Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội – Những phố dài xao xác hơi may – Người ra đi đầu không ngoảnh lại – Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”
Nhà thơ NGUYỄN ĐÌNH THI – trong
BÀI THƠ “ĐẤT NƯỚC”, Tác giả viết, “…Sáng
mát trong như sáng năm xưa – Gió thổi mùa thu hương cốm mới – Tôi nhớ những
ngày thu đã xa – Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội – Những phố dài xao xác hơi
may – Người ra đi đầu không ngoảnh lại – Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy…”
TK (*) – Nghiệm:
Ta biết ta không trẻ như lời mẹ dạy,
Nhưng không quá già để tận hưởng yêu đương.
Khi ngoài kia phưởng phất mùi hương,
Của đôi lứa trên đường nhựa sống
Của Anh của Em dòng máu nóng,
Của Đất nước non sông gấm vóc
…
Và tình yêu quê hương xứ sở đẹp lạ lùng.
Trên tất cả Em là của chung
Là tiếng nói, khôn cùng dân tộc
Là tiếng thơ, khúc dạo tình đời
Là tuổi trẻ, một thời hạnh phúc
Là tương lai, thúc giục đi lên
Và tình yêu xây nền cuộc sống.
Mãi bình yên mọi nẻo đường về,
Tiếng lòng trong tiếng gọi hương quê.
Anh ra đi mùa thu bất tận,
Em trở về trong trận gió đông.
Rền vang lên, tiếng của nỗi lòng,
Tiếng của Anh, non sông bật dậy.
Như ngàn năm thức giấc Em ơi
Như lời than, than một cảnh đời
Như giấc mơ của người trẻ tuổi
Mong quê hương đẹp mãi từng ngày.
Ta đi qua, cuộc sống tràn trề
Một niềm tin trong những đam mê.
Khi Đất nước bốn bề sóng dậy
Khi tình yêu chắp cánh cho Em
Khi tiếng lòng thổn thức trong đêm
Tiếng hy vọng mong chờ hạnh phúc
Và tình ai, giấc mộng êm đềm
Chợt thấy mình quá đỗi lặng im
Trong cuộc sống tiếng chìm tiếng nổi.
Quê hương ơi! Tiếng gọi đời đời
Ta thấy Người đẹp mãi, Người ơi!”
TK – Lữ khách vô hình, cảm tác
27 tháng 6 2022
SOCRATES – NHÀ THÔNG THÁI VĨ ĐẠI
SOCRATES – NHÀ THÔNG THÁI VĨ ĐẠI
Những mẩu đối thoại của Plato là một trong những bằng chứng
toàn diện nhất về Socrates vẫn còn
sót lại từ thời cổ đại tới giờ, từ đó giúp cho Socrates trở nên nổi tiếng với những đóng góp cho các lĩnh vực đạo
đức học và tri thức luận. Ông chính là người thầy của Plato, người được đặt tên cho những khái niệm triết học như Sự mỉa mai Socrates và Phương pháp Socrates, hay elenchus. Tuy
nhiên, vẫn có những câu hỏi được đặt ra về việc liệu có sự khác biệt nào giữa
Socrates trong đời thực với Socrates được khắc họa bởi Plato trong những mẩu đối
thoại của mình hay không.
Socrates có một
sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đối với những triết gia sau thời kỳ cổ đại và kỷ
nguyên hiện đại. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật và văn hóa đại chúng miêu tả
về Socrates đã khiến ông trở thành một trong những hình tượng được biết đến rộng
rãi nhất trong nền tư tưởng triết học phương Tây.
VẤN ĐỀ SOCRATES
Vì Socrates không viết lại bất kỳ bài
giảng nào của mình, hiểu biết của chúng ta về cuộc đời và tư tưởng của ông
không còn cách nào khác mà chỉ có thể đến từ những nguồn thông tin thứ cấp. Bản
chất đôi khi trái ngược của những nguồn thông tin này về sau đã được đặt với
cái tên vấn đề Socrates, hay nghi vấn Socrates.
Về tổng quan, những tài liệu được viết
bởi Platon được xem là nguồn thông tin chủ yếu về cuộc đời và tư tưởng của
Socrates. Những bản ghi chép này được gọi là Sokratikoi logoi, hay đối thoại Socrates,
bao gồm các báo cáo về những cuộc trò chuyện rõ ràng có sự tham gia của
Socrates. Ban đầu, một số học giả đã đặt ra nghi vấn về việc liệu Socrates có
phải là một nhân vật hư cấu, một phát minh của Platon hay không, tuy nhiên điều
đó đã được làm sáng tỏ trong các tài liệu và các tác phẩm lịch sử khác, rằng
Socrates quả thực đã từng tồn tại. Sự chứng thực của Xénophon và Aristotle, vở
kịch Mây của Aristophanes và các tác phẩm khác là những nguồn thông tin hữu ích
trong việc liên kết giữa một Socrates bằng xương bằng thịt với một Socrates xuất
hiện trong các tác phẩm của Platon.
Tìm kiếm một hình ảnh Socrates "thật sự" là một điều rất khó khăn
bởi những tác phẩm nhắc đến ông (trừ Xenophon) thường mang tính triết lý hay
mang tính kịch nhiều hơn là khắc họa lại sự thật lịch sử. Ngoài Thucydides, thật
sự không có một tác phẩm tiểu sử thực thụ nào khác của những người cùng thời với
Plato. Kết quả tất yếu đó là những nguồn thông tin này đã mâu thuẫn với tính
chính xác của lịch sử. Do đó, các nhà sử học đã phải đối mặt với một thách thức
rất lớn, đó là đối chiếu các bằng chứng khác nhau từ các văn bản còn tồn tại để
cố gắng giải thích chính xác và nhất quán về cuộc sống và công việc của
Socrates. Kết quả của những nỗ lực đó là khi những thông tin được thống nhất,
chúng sẽ không nhất thiết phải thực tế.
Hai yếu tố nổi bật nhất từ tất cả các
nguồn thông tin liên quan đến đặc điểm của Socrates đó là: ông có tướng mạo xấu
xí (ít nhất là vào lúc ông đã lớn tuổi) và một trí tuệ tuyệt vời. Ông sống cả
cuộc đời mình tại Athens cổ đại (ít nhất là kể từ khi ông gần 40 tuổi, bởi trước
đó ông cũng từng tham gia phục vụ quân đội tại các chiến dịch như Potidaea,
Delium,...), ông không viết bất cứ thứ gì (ít nhất là những thứ liên quan đến
triết học - một đoạn thơ duy nhất do ông sáng tác vẫn còn tồn tại). Cuối đời,
ông bị xử tử bằng hình thức uống sâm độc với cáo buộc bất kính với Athens.
CUỘC ĐỜI
Các phiên bản
Các chi tiết về cuộc đời của Socrates
được xuất hiện trong cả những nguồn thông tin vào thời kỳ của ông và những nguồn
của thời kỳ về sau. Đối với nguồn thông tin đương thời, hầu như tất cả đều đến
từ các mẩu đối thoại của Platon và Xenophon (hai người đều rất sùng bái
Socrates), trong những đoạn di chúc của Antisthenes, Aristippus và Aeschines xứ
Sphettos, một số ít khác xuất hiện trong các vở kịch của Aristophanes. Những
nguồn thông tin đến từ thời kỳ cổ đại sau này bao gồm Aristoxenus, Apollodorus
xứ Athens (sống trong khoảng thế kỷ II TCN), Cicero (sống trong khoảng 106–43
TCN), và Diogenes Laërtius (có vẻ như sống trong khoảng thời gian nửa đầu thế kỷ
III SCN).
Các nguồn này được cho là đã sử dụng
một phần hoặc toàn bộ những thông tin thực tế về cuộc đời của Socrates mà mỗi
người có được, từ đó đưa ra những cách giải thích riêng của từng tác giả về bản
chất việc dạy học của Socrates, do vậy chúng đã tạo ra rất nhiều phiên bản khác
nhau về nhà triết học này. Ví dụ như trong vở kịch Mây của Aristophanes,
Socrates đã bị biến thành một chú hề, ông có thiên hướng được miêu tả giống như
một kẻ ngụy biện, chuyên dạy học trò cách trốn tránh các khoản nợ. Tuy nhiên,
do hầu hết các tác phẩm của Aristophanes đều mang tính chất châm biếm, hài hước,
nên người ta cũng cho rằng tính cách của nhân vật trong vở kịch này chưa chắc
đúng như những gì được miêu tả. Trong Phaedo, nguồn thông tin được chứng thực
duy nhất miêu tả về cái chết của Socrates, Plato được cho là đã chọn lọc và loại
bỏ đi nhiều chi tiết để thông qua đó cung cấp những tư liệu cho lập luận của
ông về sự tồn tại của sự giải phóng linh hồn ra khỏi cơ thể, một giả thiết mà
ông tiếp thu được nhờ việc học hỏi các ý tưởng của Pythagoras (sinh ra vào khoảng
sau năm 606 và mất vào khoảng sau năm 510 TCN).
Thân thế
Năm sinh của Socrates theo một số nguồn
được cho chỉ là một ngày được giả định hoặc ước lượng, bởi trên thực tế thì thông
thường việc tính ngày của bất cứ điều gì trong lịch sử cổ đại đôi khi bị phụ
thuộc vào lập luận khác nhau, mà lập luận lại dựa trên một khoảng thời gian
không xác định mà mỗi cá nhân tự áng chừng nên mức độ đáng tin là không cao.
Diogenes Laërtius tuyên bố rằng ngày sinh của Socrates là "ngày thứ sáu của
tháng Thargelion, ngày mà những người dân Athens thanh lọc thành phố của
mình". Những nguồn tin thời đó cho biết ông được sinh ra không muộn hơn một
thời gian sau năm 471, ngày sinh của ông nằm trong khoảng từ năm 470 đến năm
469 TCN, hoặc cũng có thể trong khoảng năm 469 đến 468 TCN (tương ứng với năm
thứ tư của Thế vận hội Olympic lần thứ 77).
Socrates sinh ra tại Alopeke, và là một
người thuộc tộc Antiochis. Bố của ông là Sophroniscus, một thợ điêu khắc, hay
thợ làm đá. Mẹ của ông là một bà đỡ đẻ tên là Phaenarete. Khi Socrates khoảng
50 tuổi, ông lấy vợ, tên là Xanthippe, một người được biết đến là có tính khí
vô cùng đáng sợ. Bà này sau đó được cho là đẻ cho ông ba người con trai,
Lamprocles, Sophroniscus và Menexenus; mặc dù Aristotle cho rằng hai người con
sau thực chất là con của Socrates với một người vợ khác (được cho là vợ trước),
có tên là Myrto, con gái của Lysimachus (một người bạn thân với cha của
Socrates, đồng nghĩa với việc rất có thể Myrto cũng khoảng xấp xỉ tuổi của
Socrates).
Socrates nhiều khả năng đã được dạy dỗ
để trở thành một thợ điêu khắc. Theo Timon của Phlius và các nguồn sau này,
Socrates đảm nhận việc trông coi xưởng đá từ người cha. Có một lời truyền tụng
cổ xưa, chưa được kiểm chứng bởi các học giả, rằng Socrates đã tạo nên bức tượng
Charites đặt gần Acropolis, tồn tại cho đến tận thế kỉ thứ II sau Công nguyên.
Không rõ Socrates kiếm sống bằng cách
nào. Các văn bản cổ dường như chỉ ra rằng Socrates không làm việc. Trong Symposium
của Xénophon, Socrates đã nói rằng ông nguyện hiến thân mình cho những gì ông
coi là nghệ thuật hay công việc quan trọng nhất: những cuộc tranh luận về triết
học. Trong Mây, Aristophanes miêu tả Socrates sẵn sàng chấp nhận trả công cho
Chaerephon vì việc điều hành một trường hùng biện, trong khi ở Apologia và
Symposium của Platon và sổ sách kể toán của Xénophon, Socrates dứt khoát từ chối
việc chỉ trả cho giảng viên. Để chính xác hơn, trong Apologia Socrates đã viện
dẫn rằng cảnh nghèo nàn của ông ấy là chứng cớ cho việc ông ấy không phải là một
giáo viên.
Phục vụ trong quân đội
Trận Potidaea (432 TCN): Quân Athens
đối đầu với quân Corinthia (chi tiết). Khung cảnh Socrates (chính giữa) cứu
Alcibiades. Tranh khắc thế kỷ XVIII.
Socrates đã từng có một thời gian phục
vụ trong quân đội với vai trò là một lính hoplite, ông đã tham gia trong Cuộc
chiến Peloponnisos— cuộc chiến tranh không liên tục kéo dài trong suốt giai đoạn
từ năm 431 đến 404 trước Công nguyên. Trong nhiều mẩu đối thoại của Plato đã có
những chi tiết nhắc đến quãng thời gian hoạt động trong quân đội của Socrates.
Trong đoạn độc thoại của Apology,
Socrates đã nói rằng ông đã tham gia chiến đấu trong các trận Amphipolis,
Delium và Potidaea. Trong Symposium, Alcibiades đã mô tả sự dũng cảm của
Socrates trong hai trận đánh là Potidaea và Delium, đồng thời cũng kể lại việc
Socrates đã cứu mạng ông ta trong một trận chiến trước đó (219e–221b). Khả năng
xuất sắc của Socrates khi còn là một người lính tại Delium cũng được nhắc đến
trong Laches của vị tướng cùng tên với tác phẩm này (181b). Trong Apology,
Socrates so sánh sự phuc vụ trong quân đội của mình với những rắc rối trong
phòng xử án và ông cũng tuyên bố rằng bất cứ vị thẩm phán nào nghĩ rằng ông nên
rút lui khỏi triết học cũng nên nghĩ đến những người lính nên rút lui khỏi chiến
trường khi mà có vẻ như họ sẽ bị giết.
Epistates tại phiên tòa xét xử sáu chỉ huy
Vào năm 406, Socrates trở thành thành
viên của Boule. Tộc Antiochis của ông đảm nhận vai trò tổ chức Prytany vào một
ngày khi có những tranh luận đang được nổ ra về số phận của những viên tướng
thua cuộc trong trận Arginusae vì họ đã bỏ rơi những người hy sinh và cả những
người sống sót bị đắm thuyền khi đang đuổi theo hạm đội Sparta thua trận.
Theo như Xenophon kể lại, Socrates được
chọn làm Epistates của buổi tranh luận, nhưng Delebecque và Hatzfeld lại cho rằng
thông tin này không chính xác mà chỉ được sử dụng để tô điểm hình ảnh của ông,
bởi Xenophon đã đưa thông tin này ra sau cái chết của Socrates.
Người dân thành Athens cho rằng những
viên chỉ huy đã thất bại trong việc duy trì những nghĩa vụ cơ bản nhất, và hình
phạt là tử hình là những gì mà người dân trong thành quyết định. Tuy nhiên, khi
những thành viên trong hội đồng Prytany từ chối bỏ phiếu cho vấn đề này, người
dân đã phản ứng lại bằng việc đe dọa sẽ trực tiếp giết chết các thành viên
trong hội đồng đó. Các thành viên này đành phải chấp nhận chiều theo ý người
dân và bỏ phiếu, chỉ có duy nhất mình Socrates đơn độc trong vai trò là
Epistates phản đối việc bỏ phiếu, vốn ban đầu được đề xuất bởi Callixeinus. Lý
do ông đưa ra là "ông sẽ không thực hiện trong bất kỳ hoàn cảnh nào trừ
khi điều đó được quy định rõ trong luật pháp".
Kết quả của phiên tòa hôm đó sau này
bị đánh giá là một sự sai trái trong công lý, hay trái luật, nhưng trên thực tế,
quyết định của Socrates không hề được hỗ trợ bởi những gì luật định trong văn bản
mà thay vào đó chúng dựa nhiều vào sự ủng hộ vào một luật pháp mềm mỏng và bớt
cứng nhắc hơn. Một trong những viên chỉ huy bị xử tử là Pericles Trẻ, con trai
của Pericles và Aspasia xứ Miletus.
Bắt giữ Leon
Trong tác phẩm Apology của Plato, từ
phần 32c đến 32d, đã kể lại câu chuyện Socrates và bốn người khác bị gọi tới
Tholos, và được đại diện của đầu sỏ Ba mươi (những kẻ bắt đầu nắm quyền vào năm
404 TCN) yêu cầu đi tới Salamis và mang Leon người Salamis quay trở lại. Leon
là kẻ đang bị bọn đầu sỏ tìm kiếm và chúng muốn đưa anh ta về để xét xử. Tuy
nhiên, Socrates đã quay trở về nhà và không hề đi tới Salamis như bọn chúng dự
định.
Bản án và cái chết
Socrates đã sống trong thời kỳ thịnh
vượng của thành bang Athena cho đến lúc nó suy tàn bởi người Sparta và liên
minh của nó trong cuộc chiến tranh Peloponnesus. Trong lúc Athena tìm kiếm sự ổn
định và phục hồi từ thất bại ê chề, nền cộng hòa dân chủ chủ nô của Athen bị
nghi ngờ là làm suy yếu sự lãnh đạo của nhà nước. Socrates xuất hiện để chỉ
trích thể chế dân chủ, và một vài học giả giải thích rằng việc xét xử ông là biểu
hiện của sự đấu tranh chính trị.
Mặc dù luôn thể hiện sự trung thành đến
chết với thành bang, song việc Socrates theo đuổi đến cùng lẽ phải và đức hạnh
của ông đã mâu thuẫn với chiều hướng chính trị và xã hội đương thời của Athena.
Ông ca ngợi Sparta, chê bai Athena, trực tiếp và gián tiếp trong nhiều cuộc đối
thoại. Nhưng có lẽ hầu hết các sử liệu xác thực đều cho thấy sự đối lập của
Socrates với thành bang là ở quan điểm chỉ trích xã hội và luân lý của ông.
Thích bảo vệ sự nguyên trạng hơn là chấp nhận phát triển sự phi đạo đức. Trong
lĩnh vực của mình Socrates cố gắng phá vỡ quan niệm lâu đời "chân lý thuộc
về kẻ mạnh" rất thông dụng ở Hy Lạp lúc bấy giờ. Platon cho Socrates là
"ruồi trâu" của nhà nước (như một con ruồi châm chích con trâu,
Socrates châm chọc Athena). Quá đà hơn ông chọc giận các nhà quản lý với ý kiến
đòi xem xét các phán quyết toà án và các quyết định. Cố gắng của ông để tăng cường
ý thức của tòa án Athena có lẽ là nguồn cơn cho việc hành hình ông.
Theo Apologia của Platon, cuộc đời
như "ruồi trâu" của Athen bắt đầu khi bạn ông Chaerephon hỏi nhà tiên
tri ở Delphi rằng liệu có ai thông thái hơn Socrates; nhà tiên tri trả lời rằng
không ai thông thái hơn. Socrates tin rằng nhà tiên tri đã đưa ra một nghịch
lý, bởi ông tin rằng ông không biết gì cả. Sau đó ông giải đáp bí ẩn bằng cách
hỏi những người được cho là khôn ngoan ở Athena, như là chính khách, thi sĩ hay
thợ thủ công nhằm bác bỏ những lời nhà tiên tri nói. Nhưng sau khi hỏi họ,
Socrates đi đến kết luận, khi một người cho rằng anh ta biết rất nhiều, thì thực
ra, anh ta biết rất ít hoặc không biết gì cả. Socrates nhận ra rằng nhà tiên
tri đã đúng, những người được cho là khôn ngoan nghĩ rằng họ biết nhiều trong
khi thực tế thì ngược lại, tự ông cũng biết rằng mình chả thông thái chút nào,
nghịch lý thay, lại khiến ông là người khôn ngoan duy nhất vì ông nhận thức được
sự ngu dốt của mình. Nghịch lý sự khôn ngoan của Socrates đã khiến những người
đứng đầu ở Athena mà ông từng đố công khai cảm thấy mình trở nên ngốc nghếch,
nên họ đã quay lại chống lại ông và dẫn tới việc buộc tội những hành vi sai
trái. Socrates bảo vệ vai trò của ông như ruồi trâu đến cùng; trong tù, khi ông
được hỏi về đề xuất với hình phạt của chính ông, ông đề nghị được chính phủ trả
lương tuần và bữa tối miễn phí để bù vào khoảng thời gian ông phải nghỉ, cung cấp
tiền cho thời gian ông giúp ích cho thành Athen. Tuy thế ông vẫn bị khép vào tội
làm hư hỏng đầu óc của thanh niên Athen và bị kết án tử hình bằng việc uống một
loại độc dược bào chế từ cây độc cần. Theo như sử liệu của Xénophon, Socrates
có chủ đích thách thức bồi thẩm đoàn vì "ông ấy tin rằng ông ấy nên tự tử
thì hơn". Xénophon tiếp tục mô tả sự kháng cự Socrates như là giải thích sự
nghiêm khắc của người già và Socrates vui mừng như thế nào khi lừa được họ kết
án ông tử hình. Điều đó giúp ta hiểu ra rằng Socrates cũng ước muốn được chết bởi
ông "thật sự tin cuộc đời thực của ông sẽ đến khi ông chết" Xénophon
và Platon đồng ý rằng Socrates có một cơ hội giải thoát và những người tin theo
ông có thể đút lót lính coi ngục. Ông chọn ở lại bởi mấy lý do sau:
1. Ông
tin rằng sự trốn chạy là biểu hiện của sự sợ hãi cái chết, bởi ông tin không
triết gia nào làm thế.
2. Nếu
ông trốn khỏi Athena, sự dạy dỗ của ông không thể ổn thỏa hơn ở bất cứ nước nào
khác như ông đã từng truy vấn mọi người ông gặp và không phải chịu trách nhiệm
về sự không vừa ý của họ.
3. Bằng
sự chấp thuận sống trong khuôn khổ luật của thành bang, ông hoàn toàn khuất phục
chính bản thân ông để có thể bị tố cáo như tội phạm bởi các công dân khác và bị
tòa án của nó phán là có tội. Mặt khác có thể ông bị kết tội vì phá vỡ sự
"liên hệ cộng đồng" với Nhà nước, và gây tổn hại đến Nhà nước, một sự
trái ngược so với nguyên lý của Socrates.
Lý do đầy đủ ẩn chứa sau lời từ chối
trốn chạy của ông là chủ đề chính của vở kịch Criton.
Cái chết của Socrates được diễn tả ở
phần cuối của cuốn Phaedon của Platon. Socrates bác bỏ lời cầu xin của Criton để
cố gắng thử trốn khỏi tù. Sau khi uống độc dược, ông vẫn được dẫn đi dạo cho đến
khi bước chân ông trở nên nặng nề. Sau khi ông gục xuống, người quản lý độc dược
véo thử vào chân ông. Socrates không còn cảm giác ở chân nữa. Sự tê liệt dần dần
lan khắp cơ thể ông cho đến khi nó chạy vào tim ông. Không lâu trước khi ông chết,
Socrates trăng trối với Criton "Crito, chúng ta nợ một con gà trống với
Asclepius. Làm ơn đừng quên trả món nợ đó". Asclepius là thần chữa bệnh của
người Hy Lạp, và những lời cuối cùng của Socrates nghĩa là cái chết là cách chữa
bệnh và sự tự do là việc tâm hồn thoát ra khỏi thể xác. Nhà triết học La Mã
Seneca đã thử bắt chước cái chết của Socrates khi bị ép tự tử bởi Hoàng đế Nero.
TRIẾT HỌC
Phương pháp Socrates
Có lẽ đóng góp quan trọng nhất của
ông cho tư tưởng phương Tây là phương pháp truy vấn biện chứng, được biết đến
dưới tên gọi "phương pháp Socrates" hay phương pháp "bác bỏ bằng
logic" (elenchus). Ông đã áp dụng phương pháp này chủ yếu cho việc kiểm
nghiệm các khái niệm quan trọng về mặt đạo đức như Tốt đẹp và Công bằng. Platon
là người đầu tiên miêu tả phương pháp này với tác phẩm "Các cuộc hội thoại
của Socrates". Để giải quyết một vấn đề, người ta chia nhỏ nó thành một hệ
thống các câu hỏi, các câu trả lời sẽ dần dần kết tinh ra lời giải mà ta tìm kiếm.
Ngày nay, ảnh hưởng của cách tiếp cận này có thể thấy rõ nhất ở việc sử dụng
phương pháp khoa học, mà bước đầu tiên là đặt ra giả thuyết. Sự phát triển và sử
dụng phương pháp này là một trong những đóng góp bền vững nhất của Socrates, đó
là thành tố chính trong việc đánh giá ông là cha đẻ của triết học chính trị,
luân lý học, và là người khởi đầu của các xu hướng chính trong triết học phương
Tây.
Phương pháp Socrates có thể được diễn
tả như sau; một loạt câu hỏi được đặt ra để giúp một người hay một nhóm người
xác định được niềm tin cơ bản và giới hạn của kiến thức họ. Phương pháp
Socrates là phương pháp loại bỏ các giả thuyết, theo đó người ta tìm ra các giả
thuyết tốt hơn bằng cách từng bước xác định và loại bỏ các giả thuyết dẫn tới
mâu thuẫn. Nó được thiết kế để người ta buộc phải xem xét lại các niềm tin của
chính mình và tính đúng đắn của các niềm tin đó. Thực tế, Socrates từng nói,
"Tôi biết anh sẽ không tin tôi,
nhưng hình thức cao nhất của tinh túy con người là tự hỏi và hỏi người khác".
Niềm tin triết học
Người ta khó phân biệt giữa các niềm
tin triết học của Socrates và của Platon. Có rất ít các căn cứ cụ thể cho việc
tách biệt quan điểm của hai ông. Các lý thuyết dài biểu đạt trong đa số các đoạn
hội thoại là của Platon, và một số học giả cho rằng Platon đã tiếp nhận phong
cách Socrates đến mức làm cho nhân vật văn học và chính nhà triết học trở nên
không thể phân biệt được. Một số khác phản đối rằng ông cũng có những học thuyết
và niềm tin riêng. Nhưng do khó khăn trong việc tách biệt Socrates ra khỏi
Platon và khó khăn của việc diễn giải ngay cả những tác phẩm kịch liên quan đến
Socrates, nên đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc Platon đã có những học
thuyết và niềm tin riêng nào. Vấn đề này còn phức tạp hơn nữa bởi thực tế rằng
nhân vật Socrates trong lịch sử có vẻ như nổi tiếng là người chỉ hỏi mà không
trả lời với lý do mà ông đưa ra là: mình không đủ kiến thức về chủ đề mà ông hỏi
người khác.
Nếu có một nhận xét tổng quát về niềm
tin triết học của Socrates, thì có thể nói rằng về mặt đạo đức, tri thức, và
chính trị, ông đi ngược lại những người đồng hương Athena. Khi bị xử vì tội dị
giáo và làm lũng đoạn tâm thức của giới trẻ Athena, ông dùng phương pháp phản
bác bằng lôgic của mình để chứng minh cho bồi thẩm đoàn rằng giá trị đạo đức của
họ đã lạc đường. Ông nói với họ rằng chúng liên quan đến gia đình, nghề nghiệp
và trách nhiệm chính trị của họ trong khi đáng ra họ cần lo lắng về "hạnh
phúc của tâm hồn họ". Niềm tin của Socrates về sự bất tử của linh hồn và sự
tin tưởng chắc chắn rằng thần linh đã chọn ông làm một phái viên có vẻ như đã
làm những người khác tức giận, nếu không phải là buồn cười hay ít ra là khó chịu.
Socrates còn chất vấn học thuyết của các học giả đương thời rằng người ta có thể
trở nên đức hạnh nhờ giáo dục. Ông thích quan sát những người cha thành công
(chẳng hạn vị tướng tài Pericles) nhưng không sinh ra những đứa con giỏi giang
như mình. Socrates lập luận rằng sự ưu tú về đạo đức là một di sản thần thánh
hơn là do sự giáo dục của cha mẹ. Niềm tin đó có thể đã có phần trong việc ông
không lo lắng về tương lai các con trai của mình.
Socrates thường xuyên nói rằng tư tưởng
của ông không phải là của ông mà là của các thầy ông. Ông đề cập đến một vài
người có ảnh hưởng đến ông: nhà hùng biện Prodicus và nhà khoa học Anaxagoras.
Người ta có thể ngạc nhiên về tuyên bố của Socrates rằng ông chịu ảnh hưởng sâu
sắc của hai người phụ nữ ngoài mẹ ông. Ông nói rằng Diotima, một phù thủy và nữ
tu xứ Mantinea dạy ông tất cả những gì ông biết về tình yêu, và Aspasia, tình
nhân của Pericles, đã dạy ông nghệ thuật viết điếu văn. John Burnet cho rằng
người thầy chính của ông là Archelaus (người chịu ảnh hưởng của Anaxagoras),
nhưng tư tưởng của ông thì như Platon miêu tả. Còn Eric A. Havelock thì coi mối
quan hệ của Socrates với những người theo thuyết Anaxagoras là căn cứ phân biệt
giữa triết học Platon và Socrates.
Nghịch lý Socrates
Nhiều niềm tin triết học cổ xưa cho rằng
tiểu sử của Socrates đã được biểu thị như một “nghịch lý” bởi chúng có vẻ như
mâu thuẫn với nhận thức thông thường. Những câu sau nằm trong số những nghịch
lý được cho là của Socrates:
• Không ai muốn làm điều ác
• Không ai làm điều ác hay
sai trái có chủ ý
• Đạo đức - tất cả mọi đạo
đức - là kiến thức
• Đạo đức là đủ cho hạnh
phúc
Cụm từ Nghịch lý Socrates cũng có thể
đề cập đến một nghịch lý tự phủ nhận, bắt nguồn từ một thành ngữ của Socrates,
"Tôi biết rằng tôi không biết gì cả"
(tiếng Hy Lạp cổ: ἓν οἶδα ὅτι οὐδὲν οἶδα hen oída hoti oudén oída; tiếng
Latinh: scio me nihil scire hay scio me nescire).
Nhận thức
Socrates thường nói sự khôn ngoan của
ông ấy rất hạn chế để có thể nhận thức được sự ngu ngốc của ông. Socrates tin rằng
những việc làm sai là kết quả của sự ngu ngốc và những người đó thường không biết
cách làm tốt hơn. Một điều mà Socrates luôn một mực cho rằng kiến thức vốn là
"nghệ thuật của sự ham thích" điều mà ông liên kết tới quan niệm về
"Ham thích sự thông thái",. Ông ấy không bao giờ thực sự tự nhận rằng
mình khôn ngoan, dù chỉ là để hiểu cách thức mà người ham chuộng sự khôn ngoan
nên làm để theo đuổi được điều đó. Điều đó gây nên tranh lụân khi mà Socrates
tin rằng con người (với sự chống đối các vị thần như Apollo) có thể thật sự trở
nên khôn ngoan. Mặt khác, ông cố gắng vạch ra một đường phân biệt giữa sự ngu
ngốc của con người và kiến thức lý tưởng; hơn nữa, Symposium của Platon (Phát
biểu của Diotima) và Cộng hòa (Ngụ ngôn về Cái hang) diễn tả một phương pháp để
tiến đến sự khôn ngoan.
Trong Theaetus của Platon (150a)
Socrates so sánh bản thân với một người làm mối đúng đắn như là sự phân biệt với
một tên ma cô. Sự phân biệt này lặp lại trong Symposium của Xénophon (3.20),
khi Socrates bỡn cợt về một điều chắc chắn để có thể tạo một gia tài, nếu ông
chọn để thực hành nghệ thuật ma cô. Với vai trò là một nhà truy vấn triết học,
ông dẫn dắt người đối thoại tới một nhận thức sáng rõ khôn ngoan, dù cho ông
không bao giờ thừa nhận mình là một thầy giáo (Apologia). Theo ông thì vai trò
của ông có thể hiểu đúng đắn hơn là một bà đỡ. Socrates giải thích rằng bản
thân ông là một thứ lý thuyết khô khan, nhưng ông biết cách để làm cho thuyết của
người khác có thể ra đời và quyết định khi nào họ xứng đáng hoặc chỉ là
"trứng thiếu" . Có lẽ theo một cách diễn đạt đặc biệt, ông ấy chỉ ra
rằng những bà đỡ thường hiếm muộn do tuổi tác, và phụ nữ không bao giờ sinh thì
không thể trở thành bà đỡ; một người phụ nữ hiếm muộn đúng nghĩa nhưng không có
kinh nghiệm hay kiến thức về sinh sản và không thể tách đứa trẻ sơ sinh với những
gì nên bỏ lại để đứa bé có thể chào đời. Để phán đoán được điều đó, bà đỡ cần
phải có kinh nghiệm và kiến thức về việc mà bà đang làm.
PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
Các bài dạy của ông thường được chia làm hai phần dựa trên sự đối thoại:
• Phần thứ nhất: Phần hỏi và trả lời cho đến khi người đối thoại nhận thức là mình sai.
• Phần thứ hai: Đây là phần lập luận: Ông giúp cho người đối
thoại hiểu và tự tìm lấy câu trả lời. Ông nói: "Mẹ tôi đỡ đẻ cho sản phụ,
còn tôi đỡ đẻ cho những bộ óc".
TƯ TƯỞNG
• "Hãy
tự biết lấy chính mình."
• "Con
người không hề muốn hung ác tàn bạo."
• "Việc
gọi là tốt khi nó có ích."
• "Đạo
đức là khoa học là lối sống."
• "Hạnh
phúc có được khi nó dung hòa với đạo đức."
• "Điều
bị bắt buộc phải làm cũng là điều hữu ích."
Câu nói nổi tiếng
• "Tôi biết rằng tôi không biết gì cả"
(Hy Lạp cổ: ἓν οἶδα ὅτι οὐδὲν οἶδα hen oída hoti oudén oída; tiếng Latinh: scio
me nihil scire hay scio me nescire).
26 tháng 6 2022
LÃO TỬ - TRIẾT GIA CỔ ĐẠI
LÃO TỬ - TRIẾT GIA CỔ ĐẠI
Lão Tử (chữ
Hán: 老子, cũng được chuyển tự thành Lao
Tzu, Lao Tse, Laotze, Laotsu trong các văn bản Tây
Phương) (571 TCN - 471 TCN) là một
nhân vật chính yếu trong Triết học Trung Quốc, sự tồn tại của ông trong lịch sử
hiện vẫn đang còn được tranh cãi. Theo truyền thuyết Trung Quốc, ông sống ở thế
kỷ VI TCN. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỉ IV TCN, thời Bách
gia chư tử, khoảng giữa thời kỳ Xuân Thu và đầu thời kỳ Chiến Quốc. Lão Tử được
coi là người viết Đạo đức kinh (道德經)
– cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn, và ông được công nhận là Khai tổ của
Đạo giáo (Đạo tổ 道祖), là một trong ba tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hoá
trung hoa, hay còn gọi là Tam giáo.
Cuộc đời
Người ta biết được rất ít về cuộc đời
Lão Tử. Sự hiện diện của ông trong lịch sử cũng như việc ông viết cuốn "Đạo Đức Kinh" đang bị tranh cãi rất
nhiều. Lão Tử đã trở thành một nhân
vật văn hóa quan trọng đối với các thế hệ người Trung Quốc tiếp sau. Truyền
thuyết cho rằng ông sinh ra ở huyện Khổ (苦縣) nước Sở (楚), hiện nay là Lộc Ấp (鹿邑)
thuộc tỉnh Hà Nam, trong những năm cuối thời Xuân Thu. Một số truyền thuyết nói
rằng khi sinh ra tóc ông đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ 70 năm rồi mới
ra đời, điều này giải thích cho cái tên của ông, có thể được dịch thành "bậc
thầy già cả".
Theo truyền thống, và một tiểu sử gồm
cả trong cuốn sử của Tư Mã Thiên, Lão Tử là người cùng thời nhưng lớn tuổi hơn
Khổng Tử và làm quan giữ sách trong thư viện triều đình nhà Chu. Khổng Tử đã có
ý định hay đã tình cờ gặp ông ở nước Chu, gần nơi hiện nay là Lạc Dương, nơi Khổng
Tử định đọc các cuốn sách trong thư viện. Theo những câu chuyện đó, trong nhiều
tháng sau đó, Khổng Tử và Lão Tử đã tranh luận về lễ nghi và phép tắc, vốn là
những nền tảng của Khổng giáo. Lão Tử cho rằng việc khôi phục lễ giáo thời nhà
Chu của Khổng Tử để giúp thiên hạ thái bình là không thực dụng. Truyền thuyết Đạo
giáo kể rằng những cuộc tranh luận đó có ích cho Khổng Tử nhiều hơn so với những
gì có trong thư viện.
Sau này, Lão Tử nhận thấy rằng chính
sự của đất nước đang tan rã và quyết định ra đi. Ông đi về phía Tây trên lưng một
con trâu qua nước Tần và từ đó biến mất vào sa mạc rộng lớn. Truyền thuyết kể rằng
có một người gác cửa tên Doãn Hỉ ở cửa
phía tây của ải Hàm Cốc thuyết phục Lão Tử viết lại những hiểu biết của mình
trước khi đi vào sa mạc. Cho tới lúc ấy, Lão Tử mới chỉ nói ra các triết thuyết
của ông mà thôi, và giống như trường hợp của Chúa Giêsu, Phật Thích Ca, và Khổng
Tử (những cuốn văn tuyển của họ hầu như được hoàn thành bởi các đệ tử). Theo
yêu cầu của người lính đó, Lão Tử đã viết để lại cuốn "Đạo Đức Kinh". Nhiều cuốn ghi chép
và bức tranh về Lão Tử còn lại đến ngày nay, thường thể hiện ông là một người
già hói đầu với một chòm râu trắng hay đen và rất dài; ông thường cưỡi trên
lưng một con trâu.
Một số vấn đề vẫn còn được tranh luận
về cuộc đời Lão Tử gồm:
• Những
tranh cãi đã nổ ra về việc "Lão Tử" là một bút danh của Đam, Thái sử
Đam (太史儋); hay một ông già từ Lai, một quận thuộc nước Tề (齊); hay một nhân vật
lịch sử nào đó.
• Cũng
có người tin rằng "Đạo Đức Kinh"
được viết như một cuốn sách hướng dẫn dành cho các vị vua về việc họ phải cai
trị đất nước như thế nào theo một cách thức tự nhiên hơn: "Cai trị bằng cách không cai trị".
Điều này có thể thấy trong nhiều đoạn trong "Đạo Đức Kinh", khi nói rằng: "Không tán dương người quyền quý thì người dân không tranh tụng"
và "Không đề cao giá trị đồ quý thì
người dân không tranh cướp".
Đạo giáo
Tác phẩm của Lão Tử, cuốn Đạo Đức Kinh,
là một trong những cuốn chuyên luận đáng chú ý nhất trong lịch sử triết học
Trung Quốc. Nó là kiệt tác được cho là của ông, đụng chạm tới nhiều vấn đề của
triết học trong quan hệ giữa con người và thiên nhiên, "người thuận theo đất, đất thuận theo trời,
trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên", rằng con người cần sống
hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của thiên nhiên, tu luyện
để sống lâu và gần với Đạo.
Giống với những lý lẽ phản đối do Plato đưa ra trong cuốn Cộng hòa về nhiều hình thái chính phủ,
Lão Tử chỉ ra rằng các luật lệ để chuẩn hóa và cai trị chỉ dẫn tới một xã hội
khó kiểm soát hơn. Lão Tử nói "Nếu
dân không sợ chết, dọa họ chết có ích gì", người ta có thể hiểu rằng nếu
đặt ra quá nhiều luật lệ hà khắc để bắt nhân dân tuân phục nhưng trong tâm của
họ không phục thì sẽ gây nên những tình huống khó khăn hơn về sau.
Tương tự như nhiều nhà tư tưởng Trung
Quốc khác, cách giải thích tư tưởng của ông luôn sử dụng sự nghịch biện, loại
suy, sử dụng các câu nói từ trước, lặp lại, đối xứng, vần và chuỗi sự kiện lặp
lại. Những đoạn văn được cho là của ông rất giống thơ và khó hiểu. Chúng được
coi là những điểm khởi đầu cho sự suy xét về vũ trụ học hay quan sát nội tâm.
Nhiều lý thuyết mĩ học trong nghệ thuật Trung Quốc bắt nguồn từ những ý tưởng của
ông và người kế tục nổi tiếng nhất của ông là Trang Tử.
Ý tưởng về "Đạo" và sự tồn tại của 2 cực đối lập của Lão Tử khá tương đồng với triết thuyết của Heraclitus, triết gia Hy Lạp thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên, và trường
phái Khắc kỷ ở Hy Lạp-Roma.
Những ảnh hưởng
Tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử là một tác phẩm triết học kinh điển.
Trang Tử, người
kế tục nổi tiếng nhất của Lão Tử, đã viết một cuốn sách có ảnh hưởng lớn tới giới
trí thức Trung Quốc với các tư tưởng về chủ nghĩa cá nhân, tự do, sự thảnh
thơi, và nghệ thuật, cuốn sách này có thể chính là nền tảng của Mỹ học Trung Quốc
tuy tác giả không nói gì về điều đó.
Tên gọi
Cái tên "Lão Tử" là danh xưng kính trọng. Lão (老) có nghĩa "đáng
tôn kính" hay "già". Tử (子) nghĩa là thầy. Vì thế, "Lão Tử" có thể được dịch tạm thành
"bậc thầy cao tuổi".
Tên riêng của Lão Tử có thể là Lý Nhĩ
(李耳), tên tự của ông có thể là Bá Dương (伯陽), và tên thụy của ông là Đam, (聃) có nghĩa
là "Bí ẩn".
Lão Tử cũng được gọi là:
• Lão Đam (老聃)
• Lão Quân (老聃)
o Lý Lão Quân (李老君)
o Đạo Đức Thiên Tôn (道德天尊)
o Thái Thượng Lão Quân (太上老君)
• Thái Thượng Đạo Tổ
• Lão Tử Đạo Quân (老子道君)
• Huyền Đô đại lão gia
Dưới thời Nhà Đường họ Lý, để tạo mối
liên hệ với Lão Tử, coi ông là tổ tiên của Hoàng gia, truy phong làm hoàng đế.
Đời Đường Cao Tông tôn là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế, đến đời Đường Huyền
Tông lại gia phong là Đại Thánh tổ Cao thượng Đại đạo Kim khuyết Huyền nguyên
Thiên hoàng Đại đế.
Danh ngôn
• Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam,
tam sinh vạn vật.
• Người biết đủ, không bao
giờ nhục (tri túc bất nhục).
• Lưới trời lồng lộng, thưa
mà khó lọt (Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất).
• Thái cực sinh lưỡng nghi,
lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật...
• Tự biết mình là người
sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh. Thắng được mình là kiên cường.
• Đạo bất khả Đạo phi thường
Đạo. Danh bất khả danh phi thường danh.
• Người thuận theo đất, đất
thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên. (đã dịch sang thuần
Việt)
• "Hỗn độn thiên địa
sơ khai chữ Đạo đứng đầu tất cả"
• "Trời đã có từ sớm.
Đất cũng có từ sớm. Trời đất mãi mãi cùng tồn tại"(Thiên trường địa cửu)
ĐỌC NHIỀU
-
CUỐN SÁCH VỀ 45 ĐỜI TỔNG THỐNG MỸ, TỪ GEORGE WASHINGTON ĐẾN DONALD TRUMP, TÁI BẢN NHÂN CUỘC BẦU CỬ NĂM NAY. Sách xuất bản lần đầu năm 1980, ...
-
Isaac Newton là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhàthần học và nhà giả kim người Anh, đ...
-
VŨ GIA HIỀN Ông tiến sĩ kiêm nhiều “vai diễn” Hiếm ai như ông, cùng một lúc say mê rất nhiều lĩnh vực từ khoa học, một nhà nghiên cứu vật...
-
"Phải làm việc chăm chỉ và làm việc khôn ngoan, để sống sao cho không bao giờ phải hối tiếc". Đó là lời tâm niệm của Trần Hải Li...
-
Oliver Cromwell (25 tháng 4 năm 1599 - 3 tháng 9 năm 1658) là một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự người Anh, người đóng vai trò ...
-
Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7, 1899 - 2 tháng 7, 1961; phát âm: Ơr-nist Mil-lơr Hêm-ing-wê ) là một tiểu thuyết gia ngườ...
-
Samuel Langhorne Clemens (được biết đến với bút hiệu Mark Twain ; 30 tháng 11,1835 – 21 tháng 4, 1910) là một nhà văn khôi h...
-
SOCRATES – NHÀ THÔNG THÁI VĨ ĐẠI Socrates ( 470 – 399 TCN ) là một triết gia người Hy Lạp cổ đại (Người Athens), ông được coi là một trong ...
-
Franz Kafka (3 tháng 7 năm 1883 - 3 tháng 6 năm 1924) là một nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, đ...
-
Bác sĩ Nguyễn Duy Cương đồng thời là một diễn giả chuyên nghiệp, một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cá nhân và k...
DANH MỤC
- A
- ABRAHAM LINCOLN
- ANH HÙNG
- ARTHUR ASHE
- B
- BÁC SĨ
- BÀI CA
- BENJAMIN SPOCK
- C
- CA SĨ
- CẦU THỦ
- CEO
- CHA ĐẺ
- CHIẾN LƯỢC GIA
- CHÍNH KHÁCH
- CHÍNH TRỊ
- CHÍNH TRỊ GIA
- CHỦ TỊCH
- CHỦ TỊCH HĐQT
- CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM
- CHUYÊN GIA
- CHUYÊN GIA GIÁO DỤC
- CỐ VẤN
- CÔNG CHÚA
- CÔNG GIÁO
- D
- DANH NGÔN
- DANH NHÂN
- DANH NHÂN CỔ ĐẠI
- DANH NHÂN PHILIPPINES
- DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI
- DANH NHÂN VẦN
- DANH NHÂN VẦN A
- DANH NHÂN VẦN B
- DANH NHÂN VẦN C
- DANH NHÂN VẦN D
- DANH NHÂN VẦN Đ
- DANH NHÂN VẦN E
- DANH NHÂN VẦN F
- DANH NHÂN VẦN G
- DANH NHÂN VẦN H
- DẠNH NHÂN VẦN I
- DANH NHÂN VẦN J
- DANH NHÂN VẦN K
- DANH NHÂN VẦN L
- DANH NHÂN VẦN M
- DANH NHÂN VẦN N
- DANH NHÂN VẦN O
- DANH NHÂN VẦN P
- DANH NHÂN VẦN Q
- DANH NHÂN VẦN R
- DANH NHÂN VẦN S
- DANH NHÂN VẦN T
- DANH NHÂN VẦN V
- DANH NHÂN VẦN W
- DANH NHÂN VIỆT
- DANH NHÂN VIỆT NAM
- DANH SĨ
- DANH VẦN M
- DỊCH GIẢ
- DIỄM XƯA
- DIỄN GIẢ
- DIỄN VĂN
- DIỄN VIÊN
- DO THÁI
- DOANH NHÂN
- DONALD TRUMP
- ĐẠI KIỆN TƯỚNG CỜ VUA
- ĐẠI THI HÀO
- ĐẠI TƯỚNG
- ĐẤT NƯỚC
- G
- GIẢI NOBEL
- GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH
- GIÁM MỤC
- GIẢNG VIÊN
- GIÁO DỤC
- GIÁO SĨ
- GIÁO SƯ
- GỐC BALTIC
- GỐC DO THÁI
- GỐC PHÁP
- GỐC PHI
- Günter Wilhelm Grass
- H
- HIỀN GIẢ
- HIỀN TÀI
- HIỆN TẠI
- HOA KỲ
- HỌA SĨ
- HOÀNG ĐẾ
- HOÀNG ĐẾ NHÀ LÝ
- HOÀNG ĐẾ VIỆT NAM
- HOÀNG TỬ
- I
- J.K ROWLING
- KHOA HỌC
- KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
- KHOA HỌC - TỰ NHIÊN
- KINH SÁCH - MỤC ĐÍCH VỊ NHÂN SINH
- KINH TẾ
- KINH TẾ GIA
- KỸ SƯ
- L
- LÃNH TỤ
- LIÊN BANG XÔ VIẾT
- LINH MỤC CÔNG GIÁO
- LUẬN VỀ DANH NGÔN
- LUẬN VỀ DANH NGÔN & DANH NHÂN
- LUẬT SƯ
- LƯƠNG THẾ VINH
- M
- MARTIN LUTHER
- MARTIN LUTHER KING
- MỤC SƯ
- N
- NAPOLEON HILL
- NGÂN HÀNG
- NGHỆ NHÂN
- NGHỆ SĨ
- NGUYỄN ĐÌNH THI
- NGUYÊN KHÍ
- NGUYỄN TRÃI
- NGƯỜI ANH
- NGƯỜI ÁO
- NGƯỜI BỈ
- NGƯỜI CUBA
- NGƯỜI DO THÁI
- NGƯỜI ĐÃ GIẢI THOÁT
- NGƯỜI ĐAN MẠCH
- NGƯỜI ĐOẠT GIẢI NOBEL
- NGƯỜI ĐỨC
- NGƯỜI HINDU
- NGƯỜI IRELAND
- NGƯỜI ISRAEL
- NGƯỜI MẪU
- NGƯỜI MỸ
- NGƯỜI MÝ
- NGƯỜI NGA
- NGƯỜI NHẬT
- NGƯỜI PHÁP
- NGƯỜI PHÁT MINH
- NGƯỜI SCOTLAND
- NGƯỜI TRUNG QUỐC
- NGƯỜI VIỆ
- NGƯỜI VIỆT
- NGƯỜI VIỆT NAM
- NGƯỜI Ý
- NHÀ BÁC HỌC
- NHÀ BÁO
- NHÀ CHẾ TẠO
- NHÀ CỐ VẤN
- NHÀ ĐỊA CHẤT
- NHÀ ĐỘNG VẬT HỌC
- NHÀ GIÁO
- NHÀ HÓA HỌC
- NHÀ HÓA HỌC. NHÀ NGỮ PHÁP
- NHÀ HÓA SINH
- NHÀ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
- NHÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
- NHÀ KHOA HỌC
- NHÀ LÃNH ĐẠO
- NHÀ LẬP TRÌNH
- NHÀ NGHIÊN CỨU
- NHÀ NGHIÊN CỨU Y KHOA
- NHÀ NGOẠI GIAO
- NHÀ PHÁT MINH
- NHÀ PHỤC HƯNG
- NHÀ QUÂN SỰ
- NHÀ SÁNG CHẾ
- NHÀ SÁNG LẬP
- NHÀ SINH HỌC
- NHÀ SINH LÝ HỌC
- NHÀ SINH VẬT HỌC
- NHÀ SOẠN KỊCH
- NHÀ SỬ HỌC
- NHÀ TẠO MẪU
- NHÀ THIÊN VĂN
- NHÀ THIÊN VĂN HỌC
- NHÀ THÔNG THÁI
- NHÀ THƠ
- NHÀ THƠ. NGUYỄN DU
- NHÀ TOÁN HỌC
- NHÀ TRIẾT HỌC
- NHÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN
- NHÀ TỰ NHIÊN HỌC
- NHÀ TỪ THIỆN
- NHÀ VĂN
- NHÀ VĂN HÓA
- NHÀ VĂN HÓA - TƯ TƯỞNG
- NHÀ VĂN VIỆT NAM
- NHÀ VẬT LÝ
- NHÀ VẬT LÝ HỌC
- NHÀ VIẾT KỊCH
- NHÀ VIRUS HỌC
- NHÀ XÃ HỘI HỌC
- NHẠC CÔNG
- NHẠC SI
- NHẠC SĨ
- NHẠC SĨ TÂN NHẠC
- NHẦ VẬT LÝ
- NHÂN KHẨU HỌC
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA TRUNG QUỐC
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA VIỆT NAM
- NHÂN VẬT LỊCH SỬ
- NHÂN VẬT TRUYỀN HÌNH
- NHẬT BẢN
- NHẬT VẬT HOÀNG GIA VIỆT NAM
- NHIẾP ẢNH GIA
- NỮ THỐNG THỐNG
- OPRAH WINFREY
- ÔNG CHỦ
- P
- PHI HÀNH GIA
- PHILIPPINES
- PHÓ TỔNG THỐNG HOA KỲ
- PHƯƠNG TRÌNH
- PHƯƠNG TRÌNH DIRAC
- PLATON
- S
- SÁCH HAY
- SÁNG LẬP VIÊN
- SĨ QUAN HẢI QUAN
- SOCRATES
- SỬ GIA
- T
- TÁC GIA
- TÁC GIẢ
- TÀI CHÍNH
- THÁI LAN
- THÀNH LỘC
- THÂN NHÂN TRUNG
- THẦY THUỐC
- THI HÀO
- THI SĨ
- THƠ
- THỦ LĨNH
- THỦ TƯỚNG
- TIẾN SĨ
- TIỂU THUYẾT GIA
- TK - LỮ KHÁCH VÔ HÌNH
- TK - LỮ KHÁCH VÔ HÌNH CẢM TÁC
- TK - NGHIỆM
- TỔNG BÍ THƯ
- TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
- TỔNG GIÁM ĐỐC
- TỔNG THỐNG
- Tổng thống Mỹ
- TRIẾT GIA
- TRỊNH CÔNG SƠN
- TRUNG QUỐC
- TỰ VẤN
- TỶ PHÚ
- VĂN HÓA - XÃ HỘI
- VĂN SĨ
- VẬT LÝ
- VẬT LÝ LÝ THUYẾT
- VỆT NAM
- VIỆT KIỀU
- VIỆT NAM
- VÕ TƯỚNG
- VOLTAIRE
- VỘI VÀNG
- Vua
- XUÂN DIỆU
- XUÂN QUỲNH
- XUẤT BẢN SÁCH HOÀNG GIA
BÀI VIẾT
-
▼
2024
(43)
-
▼
tháng 11
(8)
- Joe Biden - Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ (2021– 20...
- Trần Việt Quân - Người lan tỏa ước mơ về một cộng ...
- Donald Trump - Doanh nhân, tỷ phú, chính trị gia n...
- Nguyên Hồng - Nhà văn người Việt Nam
- Duy Quang - ca sĩ kiêm sáng tác nhạc người Việt Nam
- Thành Lộc - Diễn viên Việt Nam
- Fritz Hofmann - Nhà hóa học Người Đức
- Tim Cook - Doanh nhân người Mỹ - Hiện là Tổng Giám...
-
▼
tháng 11
(8)
Danh nhân Văn hóa - Hoàng Gia