23 tháng 4 2013
Aristoteles (Tiếng Hy Lạp cổ: Ἀριστοτέλης [aristotélɛːs], Aristotélēs; phiên âm trong tiếng Việt là Aritstốt; 384 – 322 TCN) là một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại, học trò của Platon và thày dạy của Alexandros Đại đế. Di bút của ông bao gồm nhiều lãnh vực như vật lý học, siêu hình học, thi văn, kịch nghệ, âm nhạc,luận lý học, tu từ học (rhetoric), ngôn ngữ học, chính trị học, đạo đức học, sinh học, và động vật học. Ông được xem là người đặt nền móng cho môn luận lý học. Ông cũng thiết lập một phương cách tiếp cận với triết học bắt đầu bằng quan sát và trải nghiệm trước khi đi tới tư duy trừu tượng. Cùng với Platon và Socrates, Aristoteles là một trong ba cột trụ của văn minh Hy Lạp cổ đại.
Cuộc đời
Aristoteles, cái tên có nghĩa là "mục đích tốt nhất", được sinh tại Stagira thuộcVương quốc Macedonia cách thành Athena 200 dặm về phía bắc, tức là ở phía đông Thessaloniki ngày nay, vào năm 384 TCN. Cha của ông làm nghề thầy thuốc, bạn thân của quốc vương Macedonia Amyntas III (tổ phụ của Alexandros Đại đế). Từ nhỏ Aristoteles sống với cha mẹ và được cha dạy cho về y khoa. Năm 17 tuổi, Aristoteles đến thành Athena và theo học nghề thầy thuốc.
Có hai giả thuyết về thời kì niên thiếu của Aristoteles. Một giả thuyết cho rằng ông là một thiếu niên thích ăn chơi, phung phí tiền của đến nỗi trở nên nghèo nàn đói rách, không có nghề sinh nhai phải vào lính trong một thời gian. Mãi đến năm 30 tuổi mới đến xin học và trở thành môn đệ của Platon. Giả thuyết thứ hai không chấp nhận thời kỳ ăn chơi và phung phí tiền của. Theo giả thuyết này Aristoteles đến Athena từ lúc 18 tuổi và trở thành môn đệ của Platôn bắt đầu từ đó.
Ông học với Platôn vào khoảng từ 8 đến 20 năm, con số 20 năm có lẽ đúng hơn nếu xét ảnh hưởng của Platôn trong các tác phẩm của Aristoteles. Người ta có thể tưởng tượng rằng thời kỳ sống với Platôn là một thời kì lí tưởng trong cuộc đời Aristoteles. Một môn đệ thông minh xuất chúng được ở gần một giáo sư toàn năng. Sự thật thì mối liên quan giữa hai thầy trò không phải luôn luôn tốt đẹp. Platôn lớn hơn Aristoteles gần 43 tuổi, chỉ sự cách biệt ấy cũng không làm dễ dàng sự thông cảm. Platôn công nhận rằng Aristoteles là một môn đệ thông minh xuất chúng, hiếu học vì Aristoteles là một trong những người đầu tiên trong lịch sử nhân loại biết sưu tầm những tài liệu viết tay thời bấy giờ để lập thành một thư viện. Nhà của Aristoteles được Platôn gọi là nhà đọc sách, nhiều người cho đó là một lời khen, nhưng cũng có người cho đó là một lời chê có ý ám chỉ đến tinh thần quá chú trọng vào sách vở của Aristoteles.
Một sự bất hoà khác quan trọng hơn xảy ra vào cuối đời Platon. Aristoteles có vẻ chống lại tư tưởng của Platôn và nhiều khi không đồng ý với Platôn. Thái độ này làm Platôn rất bất bình coi Aristoteles như một đứa con vô ơn. Một vài học giả cho rằng Aristotetes lập một trường hùng biện. Trong số các môn sinh có Hermias sau này thành người cầm quyền tiểu quốc Atarneus. Để tỏ lòng nhớ ơn thầy cũ, Hermias mời Aristoteles về sống tại triều đình vào năm 344 TCN, Hermias giới thiệu người chị của mình làm vợ Aristoteles. Cuộc hôn nhân là một sự thành công mĩ mãn.
Sau đó một năm (343 TCN), quốc vương Macedonia là Philippos II mời Aristoteles về triều đình để dạy cho thái tử Alexandros. Đó là một vinh dự rất lớn cho Aristoteles, vì Philip II cũng như Alexandros là những vị vua danh tiếng và hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Philip II chinh phục Thrace năm 356 TCN để chiếm những mỏ vàng vô cùng phong phú gấp 10 lần số vàng của Athena. Thần dân của Philip là những nông dân khoẻ mạnh, những chiến sĩ dũng cảm biết chịu đựng gian khổ. Nhờ những yếu tố ấy Philip II và Alexandros đã thôn tính hàng trăm tiểu quốc và thực hiện được sự thống nhất Hi Lạp. Philippos II không ưa chủ nghĩa cá nhân đương thời mặc dù chủ nghĩa này có kết quả tốt đẹp đối với nghệ thuật và đời sống tinh thần của dân Hi Lạp. Philippos II cho rằng chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của sự đồi truỵ kinh tế cũng như chính trị. Chính dựa vào chủ nghĩa này mà những kẻ lưu manh chính trị có thể lơi dụng sự tin tưởng quá dễ dãi của dân chúng để mặc tình thao túng chính trường gây nên bè phái, giai cấp, âm mưu chống đối nhau. Philippos II quyết chấm dứt tình trạng trên để thực hiện một nước Hi Lạp thống nhất và hùng mạnh xứng đáng là trung tâm chính trị của thế giới thời bấy giờ. Trong thời niên thiếu Philippos II đã học quân sự tại Thebes (Hi Lạp). Năm 338 TCN ông chiến thắng tại Athena và thực hiện được sự thống nhất của nước Hi Lạp. Ông mong mỏi sẽ cùng người con là Alexandros tiếp tục cuộc chinh phục thế giới nhưng giấc mộng của ông bị tan vỡ vì ông bị ám sát.
Khi Aristoteles đến nhận việc thì Alexandros là một cậu bé 13 tuổi bồng bột và ốm yếu, ưa cưỡi ngựa và tập ngựa. Những cố gắng của Aristoteles để làm dịu sự bồng bột của Alexandros hình như không đem lại nhiều kết quả. Theo một vài sử gia Alexandros coi Aristoteles như cha ruột của mình và về phần Alexandre cũng đã từng tuyên bố muốn học hỏi và coi trọng sự hiểu biết hơn là chinh phục thế giới. Nhưng đó chỉ là những lời lẽ xã giao vì không đúng với sự thật. Alexandre luôn luôn là một chiến sĩ thích chinh phục, sau khi thọ giáo 2 năm với Aristoteles, Alexandre nối ngôi cha và bắt đầu chinh phục thế giới. Sự thành công của Alexandros có lẽ một phần nào do ảnh hưởng của Aristoteles và người ta thường so sánh thiên tài của Aristoteles trong lãnh vực triết lý với thiên tài của Alexandros trong lãnh vực chính trị. Cả hai vĩ nhân này đều có công với nhân loại: một bên thống nhất thế giới, một bên thống nhất triết lí.
Sau khi cất quân chinh phục châu Á, Alexandros để lại ở Hi Lạp những chính phủ trung thành với ông nhưng không được dân chúng ủng hộ. Truyền thống dân chủ của người Hi Lạp không thể một sớm một chiều bị lu mờ trước sức mạnh của đội quân Alexandros. Tại những chính phủ này, những đảng lên cầm quyền được mệnh danh là đảng Macedonia hay là đảng thân Alexandros. Năm 334 TCN, Aristoteles trở về Athena sau một cuộc du hành và lẽ cố nhiên không dấu cảm tình đối với đảng Macedonia tại đó. Công trình khảo cứu khoa học, triết lí, chính trị của Athena tuy rất bao la nhưng không phải là hoàn toàn theo đuổi trong sự yên tĩnh. Nhiều biến cố chính trị luôn luôn đe doạ Aristoteles và nhóm cộng sự viên, công trình này hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự thành công của Alexandre trên lãnh vực chính trị. Những nhận xét trên đây còn cho phép chúng ta hiểu rõ tư tưởng chính trị của Aristoteles.
Các quan điểm của Aristoteles
· “Thầy đã quý, chân lý còn quý hơn”
· "Vật nặng rơi nhanh hơn vật nhẹ, càng nặng rơi càng nhanh."
· "Tốc độ rơi của một vật phụ thuộc vào mật độ môi trường nơi vật rơi qua, mật độ môi trường càng nhỏ thì tốc độ rơi càng lớn."
"Nếu có lực tác dụng vào vật thì tốc độ chuyển động của vật sẽ tỉ lệ thuận với lực tác dụng."
· Aristoteles còn cho rằng, chuyển động có thể là "có ý thức" hoặc "vô ý thức". Ông dùng thuật ngữ "nature will" (tạm dịch là "lẽ tự nhiên") để giải thích về nguyên nhân của sự chuyển động: "Mọi chuyển động có ý thức hay vô ý thức của sinh vật hoặc các vật thể đều tuân theo lẽ tự nhiên của chúng."
· Aristoteles đồng ý với quan điểm của Empedode về 4 nguyên tố đất, lửa, khí, nước. Sau đó đề xuất thêm rằng các thiên thể chuyển động theo đường tròn, trong môi trường gọi là ête (ether).
Một số quan niệm của Aristoteles sau này bị Galileo Galilei đánh đổ.
Công việc
Mặc dù ở trong một tiểu quốc đang sôi sục vì những biến cố chính trị, Aristoteles đã thành công trong việc lập nên một trường học lấy tên là Lyceum. Rất nhiều môn đồ đến xin thụ giáo đến nỗi cần phải đặt ra những phép tắc luật lệ để giữ gìn trật tự. Những môn đồ này tự bầu cử một uỷ ban để cai quản các công việc của trường. Họ thường ở lại và ăn uống ngay trong trường, các buổi học thường được tổ chức ngoài đồng trống.
Trước kia Platon cũng đã thành lập một trường lấy tên là Academy chuyên nghiên cứu về toán học và chính trị. Lyceum của Aristoteles chuyên nghiên cứu về sinh lí học và động vật học. Alexandre ra lệnh cho các nhà săn bắn và chài lưới phải đem nộp cho Aristoteles tất cả những giống vật mới lạ. Tục truyền có cả thảy một đội quân 1.000 người rải rác khắp Hi Lạp và châu Á để sưu tầm những giống vật mới lạ, Aristoteles là người đầu tiên đã lập nên vườn bách thảo và sở bách thú trên toàn thế giới.
Ngoài sự ủng hộ của Alexandre, Aristoteles còn bỏ vào đó một số vốn rất lớn, ông là một người có nhiều tiền của nhờ cưới vợ giàu và có quyền thế, có lần bên nhà vợ đã tặng Aristoteles một số tiền tương đương với 4 triệu Mĩ kim theo thời giá hiện nay để dùng vào việc nghiên cứu khoa học. Có người cho rằng chính Aristoteles đã khuyến cáo Alexandre chinh phục Ai Cập với mục đích thám hiểm vùng thượng lưu sông Nin để biết rõ nguyên nhân những trận lụt xảy ra ở Ai Cập. Ngoài ra, Aristote còn sưu tầm 158 bản hiến pháp.
Nhưng những phương tiện nghiên cứu của Aristoteles vô cùng thô sơ so với những phương tiện nghiên cứu tối tân ngày nay. Ông phải đo lường thời gian mà không có đồng hồ, đo lường nhiệt độ mà không có hàn thử biểu, xem thiên văn mà không có kính viễn vọng, đoán thời tiết mà không có phong vũ biểu. Những phương tiện duy nhất mà Aristoteles đã sử dụng là một cái thước và một cáila bàn. Sức hút của Trái Đất, hiện tượng phát điện, áp lực không khí, nguyên lý ánh sáng, nhiệt lượng và hầu hết những lý thuyết tân tiến của khoa học hiện đại đều hoàn toàn chưa được phát minh.
Những tác phẩm của Aristoteles lên đến hàng trăm cuốn. Có người bảo 400 cuốn, có người bảo 1.000 cuốn. Những cuốn còn lại đến nay chỉ là một số nhỏ nhưng cũng có thể lập thành một tủ sách. Trước hết là những tác phẩm về luận lí dạy các cách xếp đặt và phân loại các ý nghĩ. Rồi đến các tác phẩm khoa học như vật lí học, thiên văn học, khí tượng học, vạn vật học, những sách nói về sự phát triển và suy tàn, về linh hồn, về cơ thể sinh vật, về cử động và về sự sinh đẻ. Loại thứ ba là những sách dạy về cách viết văn và làm thơ. Loại thứ tư là những sách về triết lí như đạo đức học, chính trị học và siêu hình học.
Toàn thể các tác phẩm có thể xem là một bộ bách khoa của Hi Lạp nhưng khác với bộ bách khoa của các nước khác ở chỗ chỉ do một người viết ra. Công trình của Aristoteles xứng đáng được so sánh với công trình của Alexandre. Văn chương của Aristoteles không bóng bẩy và thi vị như của Platôn, đó là một loại văn chương chính xác và khoa học. Aristoteles phải đặt thêm nhiều từ ngữ mới để có thể diễn tả tư tưởng. Những từ ngữ Âu Mĩ hiện nay phải mượn ở những tác phẩm của Aristotle như faculty, mean, maxim, category, energy, actuality, motive, principle, form .... Những chữ này không khác gì những viên gạch để xây dựng tư tưởng và góp phần rất lớn trong công cuộc phát triển tư tưởng đời sau. Aristoteles còn viết nhiều tác phẩm văn chương nhưng đến nay đã thất truyền.
Có người cho rằng những tác phẩm của Aristoteles không phải do chính Aristotle soạn thảo mà do các môn đệ soạn thảo sau khi ghi chú các bài giảng của Aristoteles. Phần lớn những tác phẩm này được xuất bản sau khi Aristoteles qua đời. Chỉ có một số ít tác phẩm về luận lí và văn chương được xuất bản khi Aristoteles còn sống. Một số những tác phẩm khác về siêu hình học và chính trị được sưu tầm từ đống giấy tờ do Aristoteles để lại. Có người cho rằng trong tất cả các tác phẩm và Aristoteles chúng ta có thể tìm thấy một lối viết văn giống nhau, điều này chứng tỏ rằng các môn đệ của Aristoteles thấm nhuần tư tưởng của thầy một cách sâu xa, nếu không phải tự tay Aristoteles soạn thảo ra các tác phẩm của mình thì các tư tưởng trình bày chắc chắn là của Aristoteles.
Ảnh hưởng
Sau khi nhà đại Hiền Triết Aristoteles qua đời, nền triết học của ông được giảng dạy tại Trường Lyceum do các môn đệ thuộc nhiều thế hệ sau. Một trong các nhà triết học này là Kritolaos đã qua kinh thành Roma vào năm 155 TCN, nhờ đó người La Mã được biết tới nền Triết Học Hy Lạp. Vào năm 50 TCN, Andronicus người đảo Rhodes, đã cho ấn hành nhiều tác phẩm của Aristoteles và nhờ đó mà nhiều học giả đã học tập và phân tích nền Triết học kể trên, đặc biệt tại thành Alexandria.
Sau khi Đế quốc La Mã suy tàn, kiến thức về nền Triết học của Aristoteles bị hầu như lãng quên, nhất là trong khoảng thời gian từ năm 500 SCN tới thế kỷ thứ 9. Sang thế kỷ 9 này, các học giả người Ả Rập đã dịch các tác phẩm của Aristotle sang ngôn ngữ của họ và đưa chúng vào thế giới Hồi giáo. Nhà triết học người Tây Ban Nha gốc Ả Rập tên là Averroes vào thế kỷ 12 là học giả danh tiếng nhất, ông đã nghiên cứu và nhận xét về Aristoteles. Qua thế kỷ 13, các tác phẩm của Aristoteles lại được quan tâm bởi các học giả Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo, và Thánh Thomas Aquinas, một trong các nhà triết học gây ảnh hưởng lớn mạnh nhất, đã dùng nền Triết Học của Aristoteles làm căn bản cho các tư tưởng Thiên Chúa giáo thời đó. Dante Alighieri, nhà thơ bậc nhất của thời Trung Cổ, đã gọi Aristoteles là "Bậc Thầy của những người hiểu biết".
Lý thuyết về ngành động vật học của Aristoteles đã không thay đổi và được giảng dạy tại tất cả các trường học trong nhiều thế kỷ cho tới khi nhà khoa học người Anh, Charles Darwin, đề cập tới Thuyết tiến hóa vào thế kỷ 19. Học thuyết của Aristoteles cũng giữ một vai trò quan trọng trong bộ môn Thần học và trước thế kỷ 20, môn Luận Lý được coi là của Aristoteles.
Vinh danh
Núi Aristoteles, nằm trên bờ biển Oscar II thuộc đất Graham, Châu Nam Cực được đặt tên theo tên của Aristoteles.
BARUCH DE SPINOZA - Nhà triết học người Hà Lan gốc Do Thái
Benedictus de Spinoza hay Baruch de Spinoza (24/2/1633 - 21/2/1677) là một nhà triết học người Hà Lan gốc Do Thái. Tên họ của ông có nhiều dị bản: Despinoza, d'Espinoza, de Spinoza, Spinoza, v.v...
Spinoza được coi là một trong những nhà duy lý vĩ đại nhất của triết học thế kỷ 17và là một trong những nhà luân lý học có quan điểm dứt khoát (do cuốn Luân lý học- tác phẩm lớn được xuất bản sau khi ông qua đời). Các trước tác của ông, cũng như của các nhà duy lý khác, ông đã thể hiện khả năng và trình độ toán học cao. Spinoza sống bằng nghề mài kính, một ngành kỹ thuật đã được coi là rất lý thú vào thời đó - thời kỳ mà người ta đã thu được những phát kiến lớn từ kính viễn vọng. Phải một thời gian sau khi ông qua đời, sau khi cuốn Opera Posthuma của ông được xuất bản, hiệu ứng đầy đủ của các tác phẩm của ông mới được nhận ra. Ngày nay, ông được xem là người đã đặt nền móng cho thời kỳ Khai sáng của thế kỷ 18, và là người sáng lập của chủ nghĩa phê phán Kinh thánh hiện đại. Nhà triết học Gilles Deleuze của thế kỷ 20 gọi Spinoza là "Triết gia tuyệt đối, với cuốn Luân lý học của ông là cuốn sách lỗi lạc nhất về các khái niệm" (Deleuze, 1990).
Cuộc đời
Sau khi bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào khoảng năm 1492, nhiều người Do Thái tìm cách tị nạn tại Bồ Đào Nha, nhưng tại đây, họ cũng phải lựa chọn giữa việc chấp nhận theo đạo Ki tô hay bị trục xuất tiếp. Spinoza sinh ra tại Amsterdam, Hà Lan. Cha mẹ ông, Miguel de Espinosa và Ana Débora, là người Do Thái Sephardic, thuộc cộng đồng những người Bồ Đào Nha gốc Do Thái của thành phố. Ana Débora là vợ hai của Miguel, bà qua đời khi Spinoza mới 6 tuổi. Họ là những ngườiMarranos chạy trốn khỏi Bồ Đào Nha để tránh Tòa án Dị giáo Bồ Đào Nha và trở lại với Do Thái giáo. Một số người nói rằng thực ra gia đình Spinoza có tổ tiên ở Tây Ban Nha, những người khác lại cho rằng họ là những người Bồ Đào Nha gốc Do Thái đã chuyển đến Tây Ban Nha rồi quay lại quê cũ Bồ Đào Nha vào năm 1492. Tại Bồ Đào Nha, họ bị buộc phải cải đạo sang Công giáo vào năm 1498. Miguel de Spinoza, cha của Spinoza ra đời sau cuộc cải đạo cưỡng ép này 1 thế kỷ, tại Vidigueira, một thành phố nhỏ của Bồ Đào Nha gần Beja ở Alentejo. Khi cha Spinoza còn nhỏ, ông nội Spinoza là Isaac de Spinoza đã đưa cả gia đình đến Nantes, Pháp. Năm 1615, họ lại bị trục xuất và chuyển đến Roterdam, nơi Isaac qua đời năm 1627. Cha Spinoza cùng gia đình chuyển đến Amsterdam, nơi họ lấy lại tín ngưỡng Do Thái giáo của mình (Manuel thậm chí còn đổi tên thành Abraão de Spinoza, tuy vẫn giữ tên buôn bán như cũ). Cha Spinoza là một thương gia nhập khẩu phát đạt. Baruch được nuôi dạy theo truyền thống Do Thái chính thống; tuy nhiên, bản tính tò mò và tư duy phê phán của ông đã nhanh chóng xung đột với cộng đồng Do Thái. Sau khi các cuộc chiến tranh với Anh và Pháp làm tiêu hao tài sản của gia đình và sau cái chết của cha, cuối cùng ông đã có thể hoàn thành trách nhiệm với công việc kinh doanh và nợ nần với người anh trai Gabriel, và dành toàn tâm toàn ý cho triết học và quang học.
Ban đầu, ông đã bị tẩy chay do các quan điểm thách thức luật lệ Do Thái, các quan điểm này phê phán mạnh mẽ Talmud và các kinh sách khác. Nói chung, Do Thái giáo khá là khoan dung trong việc chấp nhận các hình tượng không điển hình về Chúa trời; tuy nhiên, Spinoza tin rằng Chúa trời là Thiên nhiên/Vũ trụ, một tư tưởng khác xa với bất cứ hình dung truyền thống nào về Chúa trời. Vào mùa hè năm 1656, ông nhận được cherem của cộng đồng Do Thái, (tương tự như sự rút phép thông công), vì sự bội giáo trong cách ông nhận thức về Chúa trời. Các điều khoản của cherem này khá khắc nghiệt (xem [Kasher và Biderman]): nó không bao giờ được thu hồi. Sau khi bị rút phép thông công, ông lấy tên là Benedictus, phiên bản La Tinh của tên Baruch; cả hai đều mang nghĩa "được ban phúc". Ở quê hương Amsterdam, ông còn được biết với tên Bento de Spinoza, tên thân mật của ông.
Sau khi bị rút phép thông công, người ta kể rằng Spinoza đã sống và làm việc tại trường của Franciscus van den Enden, người đã dạy ông tiếng La tinh thời trẻ và có thể đã giới thiệu ông với triết học hiện đại, mặc dù Spinoza không lần nào nhắc đến Van den Enden trong sách và thư từ. Van den Enden là một người theo trường phái Descartes và vô thần, người bị chính quyền thành phố cấm công khai truyền bá các học thuyết của mình. Từ năm 1656, sau khi đã dành toàn tâm ý cho triết học, Spinoza mong muốn mãnh liệt thay đổi thế giới qua việc thiết lập một môn phái triết học bí mật. Do kiểm duyệt, điều này chỉ trở thành hiện thực sau khi ông qua đời, nhờ sự can thiệp của các bạn hữu của ông.
Trong thời kỳ này, Spinoza còn mở các mối quan hệ với một số người Collegiant, thành viên của một giáo phái phi giáo điều và tương giao giáo lý (interdenominational), với những xu hướng của chủ nghĩa duy lý và Arianism (quan điểm thần học của Arius về quan hệ giữa Chúa Cha và Jesus). Spinoza còn liên lạc với Peter Serrarius, một thương gia Kháng cách cấp tiến. Người ta tin rằng Serrarius đã có thời gian là người bảo trợ của Spinoza. Đến đầu thập niên 1660, Spinoza đã trở nên nổi tiếng, Gottfried Leibniz và Henry Oldenburg đã đến thăm ông. Ông còn giữ liên lạc với Oldenburg trong suốt phần đời còn lại. Tác phẩm đầu tiên của Spinoza được xuất bản là Tractatus de intellectus emendatione. Từ tháng 12 năm 1664 đến tháng 6 năm 1665, Spinoza trao đổi thư từ vớiBlyenbergh, một nhà thần học amateur theo chủ nghĩa Calvin, người đã chấn vấn Spinoza về định nghĩa của cái ác. Cuối năm 1665, ông thông báo với Oldenburg rằng ông đã bắt đầu viết một cuốn sách mới, cuốn Theologico-Political Treatise (Luận về thần học chính trị), xuất bản năm 1670. Đáng lưu ý rằng Leibniz đã bất đồng quan điểm sâu sắc với Spinoza trong cuốn Refutation of Spinoza (Phản bác Spinoza) của Leibniz.\
Khi phản ứng của công chúng đối với cuốn Theologico-Political Treatise (được xuất bản giấu tên) trở nên cực kỳ bất lợi cho nhánh của ông về thuyết Descartes, Spinoza buộc phải ngừng xuất bản các tác phẩm của mình. Với một cuộc sống thận trọng và sung túc, ông đeo một chiếc nhẫn ấn khắc chữ viết tắt tên mình, một bông hồng, và từ "caute" (tiếng La Tinh, nghĩa là "thận trọng"). Luân lý học và tất cả các tác phẩm khác, trừ Principles of Cartesian Philosophy (Các nguyên lý của triết học Descartes) và Theologico-Political Treatise, đều được xuất bản sau khi ông qua đời, trong cuốn Opera Postuma, được bạn bè ông bí mật biên tập để tránh bản thảo bị tịch thu và hủy.
Khoảng năm 1661, Spinoza chuyển từ Amsterdam đến Rijnsburg (gần Leiden), sau sống tại Voorburg, rồi The Hague. Ông có cuộc sống đầy đủ từ nghề mài kính. Nhiều người kể rằng ông chế tạo những chiếc kính lúp tuyệt hảo, một số nhà sử học viết ông là một nhà làm kính mắt. Ông còn được giúp đỡ bởi những khoản tiền nhỏ nhưng định kỳ từ những người bạn thân. Ông qua đời năm 1677, trong khi vẫn đang nghiên cứu một luận đề chính trị. Cái chết sớm của ông là do bệnh phổi, có thể là bệnh nhiễm bụi silic, hậu quả của việc thở bụi thủy tinh bay ra từ những chiếc thấu kính mà ông mài. Chỉ một năm trước đó, Spinoza đã gặp Leibniz tại The Hague để bàn luận về tác phẩm triết học quan trọng nhất của ông, Luân lý học, được hoàn thành năm 1676 (Lucas, 1960). Spinoza chưa bao giờ kết hôn và ông không có con.
Tổng quan về triết học Spinoza
Hệ thống triết học của Spinoza đã đưa trật tự và sự thống nhất vào truyền thống tư tưởng cấp tiến, đem lại vũ khí sắc bén cho việc chống lại "quyền lực được công nhận". Khi còn trẻ, đầu tiên ông đã theo học thuyết nhị nguyên của Descartes rằng tâm thức và thể xác là hai chất riêng biệt, nhưng về sau ông đã thay đổi quan điểm và khẳng định rằng chúng không tách biệt mà là một thực thể đơn nhất. Ông khẳng định rằng mọi thứ tồn tại trong Thiên nhiên/Vũ trụ đều là một Thực tại (chất), và chỉ có một tập luật quy định toàn bộ thực tại quanh ta mà ta là một phần của thực tại đó. Spinoza lý luận rằng Chúa trời và Thiên nhiên là hai cái tên của cùng một thực tại, đó là chất duy nhất - cái là cơ sở của vũ trụ, và là cái mà mọi "thực thể" kém hơn thực ra là các dạng thức (mode) và biến thể của nó; rằng việc mọi vật tồn tại và việc cái này là nguyên nhân gây ra cái khác đều là do Thiên nhiên quyết định; và rằng người ta chỉ hiểu được một phần của chuỗi nhân quả phức tạp. Ông còn cho rằng việc con người tự cho là mình có ý chí tự do là kết quả của nhận thức về lòng ham muốn trong khi không có khả năng hiểu được lý do tại sao họ lại muốn những gì mình muốn và hành động như những gì họ làm.
Spinoza khẳng định rằng "Deus sive Natura" ("Chúa trời hay Thiên nhiên") là một thực thể gồm vô hạn các thuộc tính, tư duy và phần mở rộng là hai thuộc tính trong đó. Từ đó, trong quan niệm của ông về bản chất của thực tại, hai thế giới vật chất và tinh thần có vẻ được xem là hai "thế giới con" tồn tại song song, không có phần chung nhau cũng như không giao nhau. Đây là một giải pháp phiếm tâm luận (panpsychist) quan trọng trong lịch sử để giải quyết vấn đề tâm-thân, giải pháp này được biết với tên thuyết nhất nguyên trung hòa (neutral monism). Các kết quả của hệ thống triết học Spinoza còn đem lại hình dung về một vị Chúa trời không cai trị vũ trụ bằng quyền năng, mà chính Chúa trời lại là một phần của hệ thống tất định mà mọi thứ trong thiên nhiên đều là một phần của hệ thống này. Do đó, Chúa trời là thế giới tự nhiên và không có tính cá nhân.
Spinoza đã là một người triệt để theo thuyết quyết định, ông cho rằng toàn bộ những gì xảy ra đều là qua hoạt động của tính cần thiết. Đối với ông, hành vi của con người là hoàn toàn được định trước, trong đó sự tự do là năng lực để biết rằng ta đã được định sẵn và để hiểu tại sao ta hành động như những gì ta làm. Do đó, tự do không phải khả năng từ chối những gì xảy đến với ta, mà là khả năng chấp nhận và hiểu biết đầy đủ về lý do tại sao mọi sự lại cần phải xảy ra như vậy. Bằng cách hình thành "đủ" ý niệm về hành động, cảm xúc hay tình cảm của mình, ta trở nên nguyên nhân "đầy đủ" của các kết quả của mình (nội tại hay ngoại vi), dẫn tới việc tăng tính chủ động (thay vì bị động). Điều đó có nghĩa là ta trở nên vừa tự do hơn vừa giống Chúa trời hơn, như tranh luận của Spinoza trong Scholium to Prop. 49, Phần II. Tuy nhiên, Spinoza còn khẳng định rằng mọi sự nhất thiết phải xảy ra như nó xảy ra. Do đó, không có ý chí tự do.
Triết học của Spinoza có nhiều điểm chung với chủ nghĩa khắc kỷ, ở chỗ cả hai trường phái triết học đều tìm cách thực hiện một vai trò chữa bệnh bằng cách hướng dẫn người ta cách đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, Spinoza có điểm khác biệt lớn đối với các triết gia khắc kỷ ở một khía cạnh quan trọng: ông phủ nhận hoàn toàn quan điểm rằng lý tính có thể chiến thắng cảm xúc. Ngược lại, ông khẳng định rằng một cảm xúc chỉ có thể bị thay thế hoặc làm mờ nhạt bởi một cảm xúc mạnh hơn. Đối với ông, điểm khác biệt cốt yếu là giữa các cảm xúc chủ động và bị động, cảm xúc chủ động là các cảm xúc được hiểu bằng lý tính, còn cảm xúc bị động thì không. Ông còn cho rằng tri thức về các nguyên nhân chân thực của cảm xúc bị động có thể biến nó thành một cảm xúc chủ động. Ở đây, ông đã thấy trước một trong các tư tưởng then chốt của phân tâm học Sigmund Freud.
Một số quan điểm triết học của Spinoza:
· Thế giới tự nhiên là vô hạn.
· Thiện và ác là các định nghĩa của Con người, không phải của thiên nhiên.
· Bất cứ điều gì mà con người và động vật làm đều là tuyệt vời và thần thánh.
· Mọi quyền lợi đều xuất phát từ Nhà nước.
Luân lý học
Phần mở đầu tác phẩm Luận về sự nâng cao hiểu biết (Tractatus de intellectus emendatione) đã gói trọn cốt lõi của luân lý học Spinoza, cái mà ông cho là cái thiện chân thực và cuối cùng. Spinoza có một lập trường của người theo chủ nghĩa tương đối, rằng không có gì mà tự nó là tốt hay xấu, ngoại trừ mức độ tốt xấu chủ quan mà từng cá nhân nhận thức về nó. Sự vật chỉ là thiện hay ác theo cách mà con người muốn áp dụng các khái niệm này cho vật chất. Thay vào đó, Spinoza tin vào vũ trụ tất định của ông mà "mọi vật trong thiên nhiên tiến triển do một sự cần thiết nhất định với một sự hoàn hảo tột bực." Do đó, trong thế giới của Spinoza, không có gì xảy ra một cách tình cờ, và lý tính không có tác dụng cho sự tình cờ. Trong vũ trụ, bất cứ điều gì xảy ra đều xuất phát từ bản chất của các đối tượng, hay bản chất của Chúa trời/Thiên nhiên. Do đó, theo Spinoza, sự hoàn hảo là rất lớn. Nếu hoàn cảnh được xem là bất hạnh thì đó chỉ là do nhận thức không đầy đủ của ta về thực tại. Tuy các phần tử của chuỗi nhân quả không vượt ra ngoài tầm hiểu biết của lý tính con người, nhưng khả năng nắm bắt cái toàn thể vô cùng phức tạp lại có hạn, do các hạn chế của khoa học trong việc xem xét toàn bộ chuỗi nhân quả bằng thực nghiệm. Spinoza còn khẳng định rằng, tuy là cơ sở của mọi ý nhiệm, nhưng nhận thức bằng giác quan chỉ dẫn tới sai lầm, vì chúng ta không biết được những nguyên nhân quyết định ước muốn và hành động của mình. Khái niệm "conatus" của ông - bản năng sinh tồn và phát triển của con người, và khẳng định rằng sức mạnh của đức hạnh/con người được định nghĩa bởi thành công của ta trong việc bảo tồn sự sống theo hướng dẫn của lý tính, đó chính là học thuyết luân lý học trung tâm của ông; đức hạnh cao nhất là tình yêu tri thức hay tri thức về Chúa trời/Thiên nhiên/Vũ trụ. Trong phần cuối của tác phẩm Luân lý học, mối quan tâm của ông đến ý nghĩa của "sự ban phúc chân chính" (true bless), cùng với cách tiếp cận và giải thích độc đáo của ông về việc phải tách các cảm xúc phải khỏi nguyên nhân ngoại vi như thế nào để làm chủ được chúng, là những đoạn rất đặc biệt, với nội dung tiên đoán các kỹ thuật tâm lý của thế kỷ 20. Khái niệm của ông về ba loại tri thức - quan điểm, lý tính, trực giác - và khẳng định rằng tri thức trực giác mang lại sự thỏa mãn cao nhất về tâm thức, dẫn đến đề xuất của ông rằng chúng ta càng ý thức được về bản thân và Thiên nhiên/Vũ trụ thì ta càng hoàn hảo và hạnh phúc sung sướng (trong thực tại), và rằng chỉ có tri thức trực giác là vĩnh cửu. Spinoza đã có đóng góp lớn lao cho hiểu biết về sự hoạt động của tâm thức, ngay cả trong thời kỳ của các phát triển triết học cấp tiến, các quan điểm của ông đã tạo nên một chiếc cầu nối giữa quá khứ thần bí của các tôn giáo và tâm lý học của thời hiện đại.
Tranh cãi về thuyết phiếm thần (Pantheismusstreit)
Năm 1785, Friedrich Heinrich Jacobi công bố một bài chỉ trích thuyết phiếm thần của Spinoza, sau khi Lessing được cho là đã thú nhận trên giường lâm chung rằng mình là người theo chủ nghĩa Spinoza, vào thời đó điều này tương đương với việc được gọi là người vô thần. Jacobi khẳng định rằng học thuyết của Spinoza là thuần túy duy vật chủ nghĩa, vì tất cả Thiên nhiên và Chúa trời đều được coi là chẳng là gì ngoài chất được mở rộng. Đối với Jacobi, điều này là kết quả của chủ nghĩa duy lý Khai sáng và nó sẽ đi đến kết cục là thuyết vô thần tuyệt đối. Moses Mendelssohn không đồng ý với Jacobi, ông cho rằng không có khác biệt thực sự nào giữathuyết hữu thần và thuyết phiếm thần. Thời đó, toàn bộ vấn đề đã trở thành một mối quan tâm chính về tôn giáo và tri thức đối với nền văn minh Châu Âu. Nhưng Immanuel Kant đã phủ nhận, khi ông cho rằng các cố gắng để nhận thức thực tại siêu nghiệm sẽ dẫn đến sự tự mâu thuẫn trong tư duy.
Sự hấp dẫn của triết học Spinoza đối với người châu Âu vào cuối thế kỷ 18 là ở chỗ: nó cung cấp một sự thay thế cho chủ nghĩa duy vật, thuyết vô thần, và thần thánh. Họ đặc biệt bị cuốn hút bởi ba trong số các tư tưởng của Spinoza:
· sự thống nhất của tất cả những gì tồn tại;
· tính quy tắc của tất cả những gì xảy ra; và
· định danh của tinh thần và thiên nhiên.
"Chúa trời hay Thiên nhiên" của Spinoza đã mang lại một vị Chúa trời tự nhiên, sống động, đối lập với Nguyên nhân Đầu tiên mang tính cơ học của Newton (Newtonian mechanical First Cause) hay cơ chế chết của cái "Máy Con người" ("Man Machine") của người Pháp.
Ảnh hưởng hiện đại
Châu Âu cuối thế kỷ 20 đã thể hiện một mối quan tâm lớn hơn về triết học Spinoza, thường từ một góc nhìn cánh tả hay Marxist. Các triết gia nổi bật như Gilles Deleuze, Antonio Negri, Étienne Balibar và triết gia người Brazile Marilena Chauí đã viết sách về Spinoza. Luận án tiến sĩ của Deleuze xuất bản năm 1968 gọi ông là "ông hoàng của các nhà triết học". (Deleuze, 1968). Các triết gia khác chịu ảnh hưởng lớn của Spinoza gồm có Constantin Brunner và John David Garcia. Stuart Hampshire viết một nghiên cứu lớn về Spinoza, tuy tác phẩm của H. H. Joachim cũng có giá trị ngang bằng. Không như các triết gia khác, Spinoza và các tác phẩm của ông đã đượcNietzsche đề cao.
Spinoza còn có ảnh hưởng vượt ra ngoài ranh giới của triết học. George Eliot, tiểu thuyết gia thế kỉ 19, đã dịch Luân lý học, bản dịch đầu tiên sang tiếng Anh được biết đến. W. Somerset Maugham, tiểu thuyết gia thế kỉ 20, đã bóng gió nhắc tới khái niệm trung tâm của Spinoza trong tựa đề tiểu thuyết của ông, Of Human Bondage (Về sự trói buộc con người). Albert Einstein gọi Spinoza là nhà triết học đã có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới quan của ông. Spinoza đã đặt Chúa trời (chất vô hạn) với Thiên nhiên, thống nhất với niềm tin của Einstein vào một vị thần phi cá thể. Năm 1929, Rabbi Herbert S. Goldstein đánh điện hỏi Eistein về chuyện ông có tin vào Chúa trời hay không. Einstein đã trả lời bằng bức điện có nội dung "Tôi tin vào vị Chúa trời của Spinoza, vị Chúa thể hiện mình trong sự hài hòa trật tự của những gì tồn tại, tôi không tin vào một vị Chúa quan tâm đến số phận và hành động của con người.". Thuyết phiếm thần của Spinoza còn ảnh hưởng lên lý thuyết môi trường. Arne Næss, người khai sinh phong trào sinh thái sâu (deep ecology), đã thừa nhận rằng Spinoza là một nguồn cảm hứng quan trọng. Xa hơn nữa, nhà văn người Argentina Jorge Luis Borges đã chịu ảnh hưởng lớn bởi thế giới quan của Spinoza. Trong nhiều bài thơ và truyện ngắn, ông liên tục nói bóng gió về tác phẩm của nhà triết học, không phải với vai trò một người ủng hộ các học thuyết của Spinoza, mà chỉ nhằm sử dụng các học thuyết này cho các mục đích mỹ học. Ông đã làm điều này nhiều lần với tất cả nhà triết học mà ông ngưỡng mộ.
Spinoza là một nhân vật lịch sử quan trọng tại Hà Lan, nơi chân dung của ông được vẽ trên tờ bạc 1000-guilder được dùng cho đến khi đồng euro được đưa vào sử dụng năm 2002. Giải thưởng khoa học cao quý nhất của Hà Lan có tên Spinozapremie (Giải thưởng Spinoza).
Các tác phẩm và nhân cách của Spinoza được nói đến trong cuốn sách của Matthew Stewart: The Courtier and the Heretic: Leibniz, Spinoza, and the Fate of God in the Modern World (Cận thần và kẻ dị giáo: Leibniz, Spinoza, và số phận của Chúa trời trong thế giới hiện đại) .
NAPOLEON III - vị Vua cuối cùng và Tổng thống đầu tiên của Pháp
Napoléon III, cũng được biết như Louis-Napoléon Bonaparte (tên đầy đủ là Charles Louis-Napoléon Bonaparte) (20 tháng 4 năm 1808 – 9 tháng 1 năm 1873) là tổng thống đầu tiên của nền cộng hòa Pháp và hoàng đế duy nhất của Đế chế Pháp thứ nhì. Napoléon III nắm quyền một cách khác thường, vừa là tổng thống danh nghĩa đầu tiên của Pháp, vừa là vị vua cuối cùng của Pháp.
Napoléon làm tổng thống từ năm 1848, đến 1852 thì xưng đế (Napoléon III). Thời gian cai trị của ông cho thấy những nỗ lực táo bạo của ông về ngoại giao, nhất là trong chiến tranh, phần lớn thất bại, đặc biệt là nỗ lực đưa một hoàng thân Áo lên làm hoàng đế Mexico[1]. Năm 1858, quân đội Pháp xâm lược Việt Nam, bắt đầu thời kì Pháp thuộc ở nước này. Cuối cùng, ông tuyên chiến với Phổ và bị thua tạitrận Sedan năm 1871. Ông đã bị quân Phổ bắt sống, đế chế của ông hoàn toàn sụp đổ. Năm 1873, Napoléon chết tại Anh.
Thân thế và thời niên thiếu
Louis Bonaparte sinh ngày 20/04/1808, là con trai của Louis Bonaparte (em trai của Napoléon I) với Hortense de Beauharnais (con gái riêng của bà Joséphine de Beauharnais – vợ đầu của Napoléon I). Napoléon II là con trai của Napoléon I, trong khi Napoleon III là cháu ruột của Napoleon I. Ông là người con trưởng sinh ra trong gia đình Bonaparte, gọi là Hậu đế của Napoléon I, vì thế lúc rửa tội vợ chồng Hoàng đế đảm nhận là giáo phụ và giáo mẫu của ông.
Năm 1815, Napoléon I lên ngôi vua một lần nữa ở Pháp, mở đầu “vương triều 100 ngày”. Một hôm, Louis Bonaparte theo mẹ đến Cung điện Tuileries (Tuynlơri) để gặp Hoàng đế. Hoàng đế bế lấy ông đến trước cửa sổ để cho ông xem quân đội duyệt binh trên Quảng trường Carôxaiơ. Sau chiến dịch Waterloo năm 1815, gia đình Bonaparte bị đi đày, ông theo mẹ rời Paris ra sống lưu vong ở nước ngoài. Vào tháng 7-1817, mẹ ông mua ruộng và ngôi biệt thự ở Alongnabegơ thuộc bang Thurgovie Thụy Sĩ, ông cũng định cư ở đó học trung học và dự bị đại học ở đây. Đầu năm 1831, ông tham gia cuộc khởi nghĩa của nhân dân ở miền Trung Italia chống lại Giáo hoàng và bọn xâm lược Áo. Sau khi thất bại, ông và mẹ cải trang thành người Anh sang nước Anh. Ngày 5-5, ở Paris đã tổ chức lễ kỷ niệm long trọng 10 năm tạ thế của Hoàng đế, điều này đã khiến ông giữ vững lòng tin sẽ khôi phục đế chế. Tháng 4-1832, ông nhập quốc tịch Thụy Sĩ. Tháng 7 năm đó, con của Napoléon I qua đời. Từ đó, ông tự nhận là người thừa kế đương nhiên nghiệp đế của ông bác, trên cavát có đính con chim ưng được làm bằng đá quý, ông luôn luôn đi lại trước cửa ra vào và muốn người khác gọi mình là “Hoàng thân của tôi”.
Nổi lên giành quyền lực
Sau khi Napoleon Bonaparte và gia đình bị trục xuất khỏi nước Pháp, vua Louis-Philippe I được đưa trở lại ngai vàng. Louis Napoleon luôn mơ trở về Pháp với tư cách là nhà lãnh đạo vĩ đại. Ông lợi dụng nhân lúc tình hình chính trị của vương triều Tháng Bảy đang bị lung lay, để lôi kéo các quân nhân của phái Bonaparte tổ chức đoàn thể bí mật. Ngày 30-10-1836, dưới sự giúp đỡ của Đoàn trưởng pháo binh Strasbourg (Xtơnaxbua), ông diễn thuyết ở binh đoàn này và kêu gọi lật đổ Vương triều Tháng Bảy, ủng hộ ông làm vua. Sau do sự việc thất bại, Louis Bonaparte bị đày sang Mỹ. Tháng 10-1838, ông đến London. Ngày 5-8-1840, ông dẫn 56 người bạn vượt qua eo biển Cale lên Boulogne. Tại đây, họ diễn thuyết với quân đội đóng quân ở địa phương, bằng những lời dụ dỗ cho tiền bạc, tấn phong chức tước và tặng huân chương cho binh lính, phát động họ nổi loạn, lại một lần nữa bị thất bại. Louis Bonaparte bị kết tội tù chung thân và sẽ bị xử tử, tạm giam ở lâu đài Ham. Tháng 5-1846, sau 6 năm bị giam, Louis Bonaparte đầu đội tóc giả, trà trộn vào đám thợ sửa chữa trốn ra khỏi lâu đài Ham, vượt ngục sang London. Năm 1848, sau khi Cách mạng Tháng Hai bùng nổ, ông vội vàng từ London trở về Paris, tỏ ý muốn tham gia Chính phủ lâm thời, nhưng bị Chính phủ lâm thời từ chối. Ông lại quay về London. Tháng 4, ông mạo xưng là công dân nước Anh để được tuyển vào làm cảnh sát đặc biệt ở London và tham gia đàn áp các cuộc biểu tình của phái Hiến chương.
Ngày 10-12-1848, nước Pháp tổ chức bầu Tổng thống, Cavaignac do giết hại những người khởi nghĩa Tháng Sáu một cách điên cuồng làm mọi người khinh bỉ. Cháu Napoléon là Louis Bonaparte nhờ được quảng đại nông dân ủng hộ, nên đã giành được 75% tổng số phiếu bầu, được bầu làm tổng thống. Một thời gian sau khi lên làm Tổng thống, Louis Bonaparte liền muốn lập lại đế chế. Tháng 9-1-1844, ông tổ chức “Hội Tháng Chạp” gồm những tên lưu manh côn đồ, khi ông đi tuần tra, những người này được hóa trang sẵn thành quần chúng hoan nghênh, hô to: “Hoàng đế muôn năm!”, nặn ra cái gọi là ý dân ủng hộ ông xưng đế. Louis Bonaparte đặc biệt chú ý đến việc khống chế quân đội. Ông lợi dụng nhân dịp duyệt binh để khoản đãi các quân nhân, ông đã mua chuộc các sĩ quan, binh lính bằng các loại rượu ngon, xúc xích thuốc lá thơm. Cho tới ngày 2-12-1851, Louis Bonaparte cuối cùng đã điều động được hơn 2 vạn quân, chiếm lấy Paris, giải tán Quốc hội lập hiến; bắt tất cả các Nghị viên chống đối ông ta. Ngày 2-12-1852, Louis Bonaparte khoác áo nhà vua tuyên bố xưng làm Hoàng đế, gọi là Napoléon III. Nền Cộng hòa thứ hai của Pháp được thay thế bằng Đế chế thứ hai.
Cai trị
Sau khi lên ngôi, Napoleon III tập trung các quyền hành chính, lập pháp và tư pháp vào tay mình. Hàng trăm văn võ bá quan đế chế đều là công cụ của ông. Ông thường thường giải quyết những việc lớn quan trọng thông qua các người thân cận theo hầu riêng ông và còn phái các chiến binh theo dõi, giám sát các quan chức để mật báo tình hình. Ông xây dựng bộ máy Nhà nước quan liêu quân sự cồng kềnh, mở rộng quân đội từ 40 vạn lan tới 60 vạn, các quan chức từ 47 vạn tăng lên 62 vạn và còn xây dựng chế độ giám đốc cảnh sát chặt chẽ. Ông nghiêm cấm các hoạt động xuất bản, mít tinh, tự do lập hội, xóa bỏ các câu lạc bộ có tính chất chính trị, cấn mít tinh hội họp công cộng. Một chủ xưởng chỉ vì sơn cửa xưởng màu đỏ mà bị cảnh sát truy cứu hình sự. Giống như Napoleon I, Napoleon III cũng có quan điểm cơ hội về tôn giáo. Ông lợi dụng giáo hội Thiên Chúa làm công cụ tinh thần để cai trị nhân dân, dự toán chi phí về tôn giáo năm 1868 chiếm 20 lần dự toán kinh phí cho giáo dục. Đến những năm cuối của đế chế, trong 730 người dân thì có 1 giáo sĩ; số giáo sĩ lên tới hàng vạn đã khống chế trường học, các cơ quan tố tụng, nơi thành thị và nông thôn, bị mọi người chán ghét gọi họ là “Tên ăn cắp mặc áo đen”. Những hành động ngang ngược của ông đã làm cho phái Cộng hòa của giai ấp tư sản và nhân dân vô cùng bất mãn. Trong năm đầu của Đế chế, nhiêu lần xảy vụ ám sát Hoàng đế. Tháng 1-1858, 4 người yêu nước Italia cầm đầu là Ôxini dùng bom đánh chiếc xe ngựa mà ông ta đang ngồi, suýt nữa thì Hoàng đế mất mạng. Đứng trước sự bất mãn và chống đối, từ năm 1859, ông thay đổi sách lược chính trị, thực hiện một số biện pháp nhượng bộ một số quyềntự do dân chủ, tuyên bố đại xá,... Nhưng “tự do hóa” không phải là ý vốn có của ông. Ông công khai nói: “Trong Chính phủ của ta, bất kể người nào đều không thể vạch kế hoạch cho ta... Một chiếc mũ không thể có hai cái đầu cùng đội”. Có thể thấy nhượng bộ chỉ là một sự lừa gạt.
Các chính sách lớn dưới thời đệ nhị đế chế
Napoléon III coi trong xây dựng kinh tế, đặc biệt chú ý phát triển giao thông vận tải, đường sắt, đường bộ, đường sông và đường biển vào thời kỳ này được phát triển mạnh, tổng số chiều dài đường sắt từ 3.000km năm 1851 thì đến năm 1869 phát triển đến hơn 16.000km, lượng vận tải hàng hóa tăng lên lớp 10 lần, mạng lưới đường sắt toàn quốc bước đầu được hình thành. Paris trở thành một trong những đầu mối giao thông lớn nhất trên thế giới. Ngăn hàng được thành lập nhộn nhịp: Ngân hàng tín dụng ruộng đất, Ngân hàng tín dụng động sản, Ngân hàng quốc gia, Ngân hàng tín dụng Lyon (Lyông), v.v… được thành lập. Ngành kim hoàn và vốn tín dụng lãi suất cao được ưu tiên phát triển, 183 nhà tài phiệt lớn bắt đầu khống chế nước Pháp. Anh em cùng mẹ khác cha của Hoàng đế là Môtni là nhà đầu cơ vàng bạc lớn. Thời gian này chủ nghĩa tư bản Pháp phát triển nhanh chóng, đã hoàn thành được cuộc cách mạng công nghiệp. Sản xuất trong 20 năm tăng khoảng 2 lần, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu từ 2.600 triệu franc tăng lên 8.000 triệu franc. Các thành quả phát minh kỹ thuật có rất nhiều, chỉ riêng từ năm 1865 đến năm 1869 đã cấp 22.000 giấy chứng nhận phát minh. Ông chủ trương Nhà nước can thiệp vào kinh tế. Năm 1860 ký điều ước thông thương quan thuế với nước Anh, vì vậy phần lớn than, sắt, máy móc và các hàng dệt tràn vào nước Pháp, dẫn tới tình trạng các nhà tư bản ngành dệt và tư bản ngành luyện kim phản đối kịch liệt. Tuy vậy, điều này đã kích thích sự tăng trưởng kinh tế của nước Pháp, tạo điều kiện cho Pháp gia nhập nền kinh tế thị trường, gia tăng sức cạnh tranh. Hoàng đế hết sức coi trọng việc xây dựng các công trình văn hóa và kinh tế Paris. Năm 1853, ông ủy nhiệm cho Auxơman và một viên tỉnh trưởng chủ việc xây dựng lại Paris theo mẫu do đích thân Hoàng đế thiết kế. Công trình này kéo dài suốt 17 năm. Các tầng nhà cao vút, nổi bật cùng với các đại lộ cây xanh, các cửa hàng buôn bán, rạp hát, các đài phun nước, khiến Paris trở thành nổi tiếng là thành Phố cây xanh của thế giới. Những thành tựu kinh tế của Đế chế tuy làm cho mức sống bình quân của nước Pháp trong thời gian đó có được nâng cao đôi chút, nhưng chưa làm cho đời sống của tất cả mọi người được cải thiện. Theo ước tính của Ôxman, năm 1862, Paris có 70% người chết không để lại bất kỳ một di sản nào, thậm chí ngay cả chi phí chôn cất cũng không có. Nhưng giai cấp tư sản đặc biệt là giai cấp tư sản tài chính lớn, lại phát tài to. Hoàng tộc đứng đầu là Hoàng đế và cung đình khôn khéo cướp đoạt, họ sống một cuộc sống cực kỳ xa hoa. Hoàng đế mỗi năm được hưởng tới 2,5 triệu franc, và còn có 7 triệu Franc tiền thu nhập về đất sản xuất của Hoàng gia. Hoàng hậu mỗi năm số tiền tiêu vặt cũng lên tới 120 vạn franc mà lương công nhân năm cao nhất chỉ có xấp xỉ 5.000 franc. Hoàng đế, ngoài thời gian từ tháng 12 hằng năm đến tháng 4 năm sau tại Paris ra, còn lại đều đi du ngoạn giải trí ở các nơi danh lam thắng cảnh: tháng 5 ở Saint Cloud, tháng 6, 7 ở Fontainebleau, tháng 8 đi Plombières hoặc Vans, tháng 9 đến Biarritz bên bờ biển, cuối tháng 10 trở về. Sau khi ở đây thời gian ngắn, ngày 15-11 đi Compiègne để săn bắn, hầu như năm nào cũng như vậy. Hoàng cung nhiều lần tổ chức vũ hội, các khách khứa phải mặc quần sóc, váy đầm và đi bít tất dài quân nhân phải mặc lễ phục quân đội. Còn trên vũ hội hóa trang, trang phục các thời kỳ lịch sử của các nước đều để hở mặt, các quý bà mặc một bộ lễ phục ban đêm, trị giá bằng tiền chi tiêu 2 năm của một gia đình bình dân.
Các cuộc chiến tranh thời Napoleon III
Sau khi Napoléon III xưng đế, chiến tranh bên ngoài luôn luôn xảy ra. Tháng 3-1854, nhân dịp chiến tranh Nga – Thổ, ông ta liên hợp với nước Anh, tuyên chiến với Nga. Ngày 17-8, ông ra lệnh cho Hạm đội lên liên hợp Pháp - Anh tiến vào Sébastơpol, chiến tranh Crưm mở rộng. Trong trận vây hãm thành Sebastopol gần một năm, quân Pháp chết trận, chết bệnh tật lên tới gần 10 vạn người, hao tiền tốn của lên tới hàng trăm vạn franc. Ngày 10-9-1855, liên quân Pháp – Anh tiến đánh Sébastopol. Thắng lợi của chiến tranh lần này đã khôi phục được địa vị bá chủ châu Âu của Pháp. Ngôi Hoàng đế của Napoléon III được Củng cố. Năm 1853, ông ta phái binh đi đánh chiếm đảo Tân Calédonie (Calêđôni), biến đảo này thành thuộc địa của Pháp. Ông còn phái binh đi chinh phục Algérie (Angiêri), làm cho Algérie trở thành "con bò sữa" của nước Pháp. Tháng 7-1858, lấy danh nghĩa giúp Italia thống nhất, Napoléon III đã mời Thủ tướng Vương quốc Sardaigne (Xacđenhơ) mạnh nhất của Italia là Cavour (Cavua) bí mật thăm Pháp để bàn biện pháp đối phó với chiến tranh Áo. Ngày 26-1-1859 Pháp và Sardaigne thành lập Đồng minh chống Áo. Tháng 5-1859, Napoléon III dẫn quân vào Italia đánh Áo. Nhưng nhân lúc liên minh Pháp Sardaigne đánh bại quân Áo, ông lại đột nhiên ngừng chiến. Tháng 7, một mình Pháp hòa ước với Hoàng đế Áo. Sự thống nhất Italia vì thế mà bị chết yểu, còn ông lại từ vụ Italia được trả “thù lao” bằng hai nơi là Nice (Nixơ) và Savoie (Xavoa).
Ở châu Á, Napoleon III xâm lược Việt Nam, Campuchia và còn phái quân đi cùng quân đội nhà Thanh Trung Quốc đàn áp cuộc khởi nghĩa "Hội tiểu đao" ở Thượng Hải. Sau Chiến tranh Thuốc hiện, quân Pháp lại xâm phạm Trung Quốc. Tháng 10-1860, xâm nhập Bắc Kinh, cùng quân Anh cướp bóc đốt cháy vườn Viên Minh. Sự mạo hiểm quân sự lớn nhất của Napoléon III là cuộc viễn chinh ở Mêhicô. Đầu năm 1862, ông ta cử tướng Bazaine (Baden) thống lĩnh mấy vạn quân tiến vào nước này. Tháng 6 năm sau, đánh chiếm Thủ đô của Mêhicô. Cuộc viễn chinh ở Mêhicô thất bại đã làm tăng thêm sự mâu thuẫn sâu sắc trong nước.
Chiến tranh Pháp-Phổ
Để làm dịu nguy cơ trong nước, ông đã tranh chấp quyền bá chủ châu Âu với Phổ. Ngày 19-7-1870, Napoléon III tuyên chiến với Phổ. Hoàng hậu Eugénie (Ơgiêni) chấp chính ở Paris. Napoléon III tự làm thống soái toàn quân, ngày 28-7, ông ta đưa Hoàng thái tử thân chinh ra trận. Napoléon III nói khoác lác là Pháp có thể chuẩn bị chiến tranh tốt, sớm trước 10 ngày so với Phổ, nhưng đến khi kiểm tra quân đội mới thấy quân Pháp bố trí không tốt, phối hợp không linh hoạt, trang bị rất kém. Thượng tuần tháng 8, quân Pháp liên tiếp thất bại. Ông ta định trốn về Paris, sau khi gặp phải sự cự tuyệt của Hoàng hậu Eugénie, ông đành giao cho Mac-Mahon (Mác-Mahông) làm thống soái và ở lại cùng quân đội. Mặt trận không giành được thắng lợi, đã làm cho chính quyền Paris dao động. Ngày 9-8, Eugénie buộc Nội các Ollivier (Oliviê) từ chức, để tổ chức Nội các thời chiến đứng đầu là Bá tước Balisơ. Các quyết sách chiến lược của Bộ Lục quân và ý đồ tác chiến của các tướng lĩnh về mặt trận cách nhau rất xa, điều đó đã dẫn đến hệ thống chỉ huy quân sự hỗn loạn. Quân Phổ thừa cơ từng bước bám sát quân Pháp mà đánh. Ngày 30-10, đại quân của Mac-Mahon bị quân phổ bao vây ở Sédan (Xêđăng). Quân Pháp tự chống trả kịch liệt, nhưng bị động nên thất bại. Chiều ngày mồng 1-9, Napoléon III trong thế tuyệt vọng đã ra lệnh đầu hàng. Ngày hôm sau, Hoàng đế bị bắt làm tù binh. Ngày 4-9, Paris nổ ra Cách mạng lật đổ đế chế thứ II lập nên nền cộng hòa, lịch sử gọi là nền cộng hòa thứ III. Hoàng hậu Eugénie hoảng sợ bỏ trốn sang Anh.
Những năm tháng cuối đời
Từ tháng 9-1870 đến tháng 3-1871, Napoléon III bị giam lỏng trong một tòa biệt thự tại vùng ngoại ô Caxac, Đức. Thời gian này, ông nhiều lần cử người đàm phán ký kết hòa ước với Thủ tướng Đức Bismarck (Bixmac) và khôi phục quan hệ với đế chế. Vì Bismarck đòi giá rất cao, mà tình thế của Pháp lại không chịu sự điều khiển của Napoléon III. Vì thế, ý đồ của Napoleon III cuối cùng bị phá sản. Ngày 19-3-1871, ông được nước Đức phóng thích, ngày hôm sau, ông đến Anh, ông về Chislehurt (Sixlêhơt) gặp mặt Eugénie và các con đã đến đây trước đó. Từ đấy Napoleon III ở ẩn tại đây, ngày 9-1-1873, ông ốm chết.
Thông tin bên lề
Khi còn đương vị, Napoleon III đã nảy ra một ý thích kỳ quái là cần phải có một chiếc vương miện làm bằng kim loại còn quý hơn cả vàng với ngọc. Với sự giúp đỡ của các nhà hóa học Pháp lúc đó, nguyên tố này đã được tìm ra. Đó chính là nhôm. Điều này không có gì là lạ vì nhôm là một trong các nguyên tố kim loại có hàm lượng lớn nhất trên Trái Đất (8.8%). Tuy vậy, con người biết cách luyện nhôm khá muộn. Nếu như sắt được luyện từ rất lâu thì mãi tới năm 1827, nhà vật lý người Đan Mạch J.C.Oersted mới làm được việc là đẩy được nhôm nguyên chất ra khỏi Clorua nhôm nhờ Kali. Trong vòng 60 năm sau đó, nhôm vẫn là kim loại quý vì không có cách gì tăng được sản lượng của nhôm. Sau đó, Napoleon III đã kiêu hãnh đội vương miện bằng nhôm thay cho vàng bạc châu báu.
ĐỌC NHIỀU
-
CUỐN SÁCH VỀ 45 ĐỜI TỔNG THỐNG MỸ, TỪ GEORGE WASHINGTON ĐẾN DONALD TRUMP, TÁI BẢN NHÂN CUỘC BẦU CỬ NĂM NAY. Sách xuất bản lần đầu năm 1980, ...
-
Isaac Newton là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhàthần học và nhà giả kim người Anh, đ...
-
VŨ GIA HIỀN Ông tiến sĩ kiêm nhiều “vai diễn” Hiếm ai như ông, cùng một lúc say mê rất nhiều lĩnh vực từ khoa học, một nhà nghiên cứu vật...
-
"Phải làm việc chăm chỉ và làm việc khôn ngoan, để sống sao cho không bao giờ phải hối tiếc". Đó là lời tâm niệm của Trần Hải Li...
-
Oliver Cromwell (25 tháng 4 năm 1599 - 3 tháng 9 năm 1658) là một nhà lãnh đạo chính trị và quân sự người Anh, người đóng vai trò ...
-
Ernest Miller Hemingway (21 tháng 7, 1899 - 2 tháng 7, 1961; phát âm: Ơr-nist Mil-lơr Hêm-ing-wê ) là một tiểu thuyết gia ngườ...
-
Samuel Langhorne Clemens (được biết đến với bút hiệu Mark Twain ; 30 tháng 11,1835 – 21 tháng 4, 1910) là một nhà văn khôi h...
-
Franz Kafka (3 tháng 7 năm 1883 - 3 tháng 6 năm 1924) là một nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Đức, đ...
-
SOCRATES – NHÀ THÔNG THÁI VĨ ĐẠI Socrates ( 470 – 399 TCN ) là một triết gia người Hy Lạp cổ đại (Người Athens), ông được coi là một trong ...
-
Bác sĩ Nguyễn Duy Cương đồng thời là một diễn giả chuyên nghiệp, một chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực phát triển cá nhân và k...
DANH MỤC
- A
- ABRAHAM LINCOLN
- ANH HÙNG
- ARTHUR ASHE
- B
- BÁC SĨ
- BÀI CA
- BENJAMIN SPOCK
- C
- CA SĨ
- CẦU THỦ
- CEO
- CHA ĐẺ
- CHIẾN LƯỢC GIA
- CHÍNH KHÁCH
- CHÍNH TRỊ
- CHÍNH TRỊ GIA
- CHỦ TỊCH
- CHỦ TỊCH HĐQT
- CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM
- CHUYÊN GIA
- CHUYÊN GIA GIÁO DỤC
- CỐ VẤN
- CÔNG CHÚA
- CÔNG GIÁO
- D
- DANH NGÔN
- DANH NHÂN
- DANH NHÂN CỔ ĐẠI
- DANH NHÂN PHILIPPINES
- DANH NHÂN VĂN HÓA THẾ GIỚI
- DANH NHÂN VẦN
- DANH NHÂN VẦN A
- DANH NHÂN VẦN B
- DANH NHÂN VẦN C
- DANH NHÂN VẦN D
- DANH NHÂN VẦN Đ
- DANH NHÂN VẦN E
- DANH NHÂN VẦN F
- DANH NHÂN VẦN G
- DANH NHÂN VẦN H
- DẠNH NHÂN VẦN I
- DANH NHÂN VẦN J
- DANH NHÂN VẦN K
- DANH NHÂN VẦN L
- DANH NHÂN VẦN M
- DANH NHÂN VẦN N
- DANH NHÂN VẦN O
- DANH NHÂN VẦN P
- DANH NHÂN VẦN Q
- DANH NHÂN VẦN R
- DANH NHÂN VẦN S
- DANH NHÂN VẦN T
- DANH NHÂN VẦN V
- DANH NHÂN VẦN W
- DANH NHÂN VIỆT
- DANH NHÂN VIỆT NAM
- DANH SĨ
- DANH VẦN M
- DỊCH GIẢ
- DIỄM XƯA
- DIỄN GIẢ
- DIỄN VĂN
- DIỄN VIÊN
- DO THÁI
- DOANH NHÂN
- DONALD TRUMP
- ĐẠI KIỆN TƯỚNG CỜ VUA
- ĐẠI THI HÀO
- ĐẠI TƯỚNG
- ĐẤT NƯỚC
- G
- GIẢI NOBEL
- GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH
- GIÁM MỤC
- GIẢNG VIÊN
- GIÁO DỤC
- GIÁO SĨ
- GIÁO SƯ
- GỐC BALTIC
- GỐC DO THÁI
- GỐC PHÁP
- GỐC PHI
- Günter Wilhelm Grass
- H
- HIỀN GIẢ
- HIỀN TÀI
- HIỆN TẠI
- HOA KỲ
- HỌA SĨ
- HOÀNG ĐẾ
- HOÀNG ĐẾ NHÀ LÝ
- HOÀNG ĐẾ VIỆT NAM
- HOÀNG TỬ
- I
- J.K ROWLING
- KHOA HỌC
- KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ
- KHOA HỌC - TỰ NHIÊN
- KINH SÁCH - MỤC ĐÍCH VỊ NHÂN SINH
- KINH TẾ
- KINH TẾ GIA
- KỸ SƯ
- L
- LÃNH TỤ
- LIÊN BANG XÔ VIẾT
- LINH MỤC CÔNG GIÁO
- LUẬN VỀ DANH NGÔN
- LUẬN VỀ DANH NGÔN & DANH NHÂN
- LUẬT SƯ
- LƯƠNG THẾ VINH
- M
- MARTIN LUTHER
- MARTIN LUTHER KING
- MỤC SƯ
- N
- NAPOLEON HILL
- NGÂN HÀNG
- NGHỆ NHÂN
- NGHỆ SĨ
- NGUYỄN ĐÌNH THI
- NGUYÊN KHÍ
- NGUYỄN TRÃI
- NGƯỜI ANH
- NGƯỜI ÁO
- NGƯỜI BỈ
- NGƯỜI CUBA
- NGƯỜI DO THÁI
- NGƯỜI ĐÃ GIẢI THOÁT
- NGƯỜI ĐAN MẠCH
- NGƯỜI ĐOẠT GIẢI NOBEL
- NGƯỜI ĐỨC
- NGƯỜI HINDU
- NGƯỜI IRELAND
- NGƯỜI ISRAEL
- NGƯỜI MẪU
- NGƯỜI MỸ
- NGƯỜI MÝ
- NGƯỜI NGA
- NGƯỜI NHẬT
- NGƯỜI PHÁP
- NGƯỜI PHÁT MINH
- NGƯỜI SCOTLAND
- NGƯỜI TRUNG QUỐC
- NGƯỜI VIỆ
- NGƯỜI VIỆT
- NGƯỜI VIỆT NAM
- NGƯỜI Ý
- NHÀ BÁC HỌC
- NHÀ BÁO
- NHÀ CHẾ TẠO
- NHÀ CỐ VẤN
- NHÀ ĐỊA CHẤT
- NHÀ ĐỘNG VẬT HỌC
- NHÀ GIÁO
- NHÀ HÓA HỌC
- NHÀ HÓA HỌC. NHÀ NGỮ PHÁP
- NHÀ HÓA SINH
- NHÀ HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
- NHÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI
- NHÀ KHOA HỌC
- NHÀ LÃNH ĐẠO
- NHÀ LẬP TRÌNH
- NHÀ NGHIÊN CỨU
- NHÀ NGHIÊN CỨU Y KHOA
- NHÀ NGOẠI GIAO
- NHÀ PHÁT MINH
- NHÀ PHỤC HƯNG
- NHÀ QUÂN SỰ
- NHÀ SÁNG CHẾ
- NHÀ SÁNG LẬP
- NHÀ SINH HỌC
- NHÀ SINH LÝ HỌC
- NHÀ SINH VẬT HỌC
- NHÀ SOẠN KỊCH
- NHÀ SỬ HỌC
- NHÀ TẠO MẪU
- NHÀ THIÊN VĂN
- NHÀ THIÊN VĂN HỌC
- NHÀ THÔNG THÁI
- NHÀ THƠ
- NHÀ THƠ. NGUYỄN DU
- NHÀ TOÁN HỌC
- NHÀ TRIẾT HỌC
- NHÀ TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN
- NHÀ TỰ NHIÊN HỌC
- NHÀ TỪ THIỆN
- NHÀ VĂN
- NHÀ VĂN HÓA
- NHÀ VĂN HÓA - TƯ TƯỞNG
- NHÀ VĂN VIỆT NAM
- NHÀ VẬT LÝ
- NHÀ VẬT LÝ HỌC
- NHÀ VIẾT KỊCH
- NHÀ VIRUS HỌC
- NHÀ XÃ HỘI HỌC
- NHẠC CÔNG
- NHẠC SI
- NHẠC SĨ
- NHẠC SĨ TÂN NHẠC
- NHẦ VẬT LÝ
- NHÂN KHẨU HỌC
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA TRUNG QUỐC
- NHÂN VẬT HOÀNG GIA VIỆT NAM
- NHÂN VẬT LỊCH SỬ
- NHÂN VẬT TRUYỀN HÌNH
- NHẬT BẢN
- NHẬT VẬT HOÀNG GIA VIỆT NAM
- NHIẾP ẢNH GIA
- NỮ THỐNG THỐNG
- OPRAH WINFREY
- ÔNG CHỦ
- P
- PHI HÀNH GIA
- PHILIPPINES
- PHÓ TỔNG THỐNG HOA KỲ
- PHƯƠNG TRÌNH
- PHƯƠNG TRÌNH DIRAC
- PLATON
- S
- SÁCH HAY
- SÁNG LẬP VIÊN
- SĨ QUAN HẢI QUAN
- SOCRATES
- SỬ GIA
- T
- TÁC GIA
- TÁC GIẢ
- TÀI CHÍNH
- THÁI LAN
- THÀNH LỘC
- THÂN NHÂN TRUNG
- THẦY THUỐC
- THI HÀO
- THI SĨ
- THƠ
- THỦ LĨNH
- THỦ TƯỚNG
- TIẾN SĨ
- TIỂU THUYẾT GIA
- TK - LỮ KHÁCH VÔ HÌNH
- TK - LỮ KHÁCH VÔ HÌNH CẢM TÁC
- TK - NGHIỆM
- TỔNG BÍ THƯ
- TỔNG BÍ THƯ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
- TỔNG GIÁM ĐỐC
- TỔNG THỐNG
- Tổng thống Mỹ
- TRIẾT GIA
- TRỊNH CÔNG SƠN
- TRUNG QUỐC
- TỰ VẤN
- TỶ PHÚ
- VĂN HÓA - XÃ HỘI
- VĂN SĨ
- VẬT LÝ
- VẬT LÝ LÝ THUYẾT
- VỆT NAM
- VIỆT KIỀU
- VIỆT NAM
- VÕ TƯỚNG
- VOLTAIRE
- VỘI VÀNG
- Vua
- XUÂN DIỆU
- XUÂN QUỲNH
- XUẤT BẢN SÁCH HOÀNG GIA
BÀI VIẾT
-
▼
2024
(43)
-
▼
tháng 11
(8)
- Joe Biden - Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ (2021– 20...
- Trần Việt Quân - Người lan tỏa ước mơ về một cộng ...
- Donald Trump - Doanh nhân, tỷ phú, chính trị gia n...
- Nguyên Hồng - Nhà văn người Việt Nam
- Duy Quang - ca sĩ kiêm sáng tác nhạc người Việt Nam
- Thành Lộc - Diễn viên Việt Nam
- Fritz Hofmann - Nhà hóa học Người Đức
- Tim Cook - Doanh nhân người Mỹ - Hiện là Tổng Giám...
-
▼
tháng 11
(8)
Copyright ©
THẾ GIỚI DANH NHÂN | Bản quyền thuộc về DANH NHÂN VĂN HÓA - HOÀNG GIA
Danh nhân Văn hóa - Hoàng Gia
Danh nhân Văn hóa - Hoàng Gia