Paul Dirac - Nhà Vật lý lý thuyết Người Anh - Người đã được nhận giải Nobel Vật lý 1933
Chân dung Nhà vật lý lý thuyết Paul Dirac - Tác giả Phương trình Dirac |
Thế giới Danh nhân - Thế giới Tinh hoa | Danh nhân Phụng sự Thế giới - Hành trình Tinh hoa
"HIỀN TÀI là "Nguyên khí Quốc gia" - HIỆN TẠI là "Nguyên khí của Hiền tài""
[Present. Presence. SelfEnquiry]
Paul Dirac - Nhà Vật lý lý thuyết Người Anh - Người đã được nhận giải Nobel Vật lý 1933
Chân dung Nhà vật lý lý thuyết Paul Dirac - Tác giả Phương trình Dirac |
Wilfred Owen – Nhà thơ phản chiến lớn nhất nước Anh
Wilfred Owen – Nhà thơ phản chiến lớn nhất nước Anh
Wilfred Owen |
|
MỤC LỤC |
THÔNG TIN |
Sinh |
18
tháng 3, 1893 |
Mất |
4
tháng 11, 1918 |
Quốc
tịch |
Anh
Quốc |
Nghề
nghiệp |
Nhà
thơ |
Nổi
tiếng vì |
Thơ
phản chiến |
Wilfred Edward Salter Owen (18 tháng 3 năm 1893 – 4 tháng 11 năm 1918) là nhà thơ Anh
Quốc có ảnh hưởng lớn đến thơ ca thập niên 1930, thế kỷ XX. Trong cuộc Chiến
tranh thế giới lần thứ nhất, ông là một Sĩ quan Quân đội Anh, chiến đấu chống lại
quân Đức, nên được gọi là nhà thơ - chiến sĩ thời Đại chiến. Vào năm 1918, ông
được tặng thưởng do công lao của ông trong một cuộc tiến công thắng lợi. Ông được
yêu mến vì những vầng thơ gay gắt lên án chiến tranh của mình, cùng với sự hy
sinh bi tráng của ông trong một đợt giao chiến kịch liệt giữa quân Anh và quân
Đức vào ngày 4 tháng 11 năm 1918, khi ông trợ giúp đồng đội vượt kênh Sambre (ở
Pháp) dưới làn đạn pháo ác liệt của người Đức, chỉ không lâu trước khi cuộc Đại
chiến thế giới lần thứ nhất chấm dứt vào ngày 11 tháng 11 năm 1918.
Thơ ca phản chiến của ông đã nhấn mạnh
sự cuồng bạo và phi nghĩa của chiến tranh cướp đi sinh mạng của bao thanh niên
một cách vô lý. Cho đến nay, ông vẫn được xem là một trong những nhà thơ chiến
tranh lớn nhất của nước Anh. Khi bị thương và được điều trị tại Edinburg vào
năm 1917, ông đã quen biết nhà thơ phản chiến Siegfried Sassoon - điều này ảnh
hưởng lớn đến những vầng thơ của ông. Ông còn là một nhà sáng tạo kỳ tài về nghệ
thuật, và tuy chỉ có 25 tuổi đời nhưng gia tài thi ca của ông rất đồ sộ.
///---
THẾ GIỚI DANH NHÂN ghi nhận – www.danhnhan.net
cập nhật
George Boole - Nhà toán học nổi tiếng người Anh
George Boole
sinh ngày 2-11-1815 ở London. Ông là con trai một nhà bán tạp hóa nhỏ. Vì nhà
nghèo nên từ năm 16 tuổi, ông đã phải bươn chải kiếm sống, phụ giúp gia đình bằng
nghề dạy học. Năm 20 tuổi, ông mở một trường tư ở quê nhà. Vừa tận tụy dạy học,
vừa ra sức tự học, ông đã tích lũy thêm một kiến thức toán học đồ sộ cho riêng
mình. Với tài năng vốn có và lòng đam mê, bất chấp hoàn cảnh khó khăn, ông đã
cho ra đời hàng loạt công trình nghiên cứu nổi tiếng và rất quan trọng cho
ngành toán học thế giới: "Giải tích toán học của logic",
"Các định luật của tư duy". Nhờ đó, ông được bổ nhiệm làm
Giáo sư toán của trường Nữ hoàng ở Ireland (nay là University College Cork UCC)
từ năm 1849 cho đến khi mất. Một điều khá thú vị là Ethel Boole, một nữ văn
sĩ nổi tiếng của nước Anh với tác phẩm "Ruồi trâu", chính là
con gái của ông. Ông mất vào ngày 8-12-1864, thọ 49 tuổi.
Sưu tầm THẾ GIỚI DANH NHÂN
John Dalton – Nhà hóa học, Nhà vật lý người Anh
John Dalton (6
tháng 9, năm 1766 – 27 tháng 7, năm 1844) là một nhà hóa học, nhà vật lý người
Anh. Ông sinh ra trong một gia đình dệt vải nghèo tại Eaglesfield, một vùng
phía Tây Bắc nước Anh. Thời niên thiếu, để có đủ điều kiện tiếp tục theo học và
đeo đuổi lòng đam mê khoa học của mình, John Dalton phải trốn nhà để đi trợ giảng
ở một trường trung học tại Kendan (khi ấy, ông chỉ mới 15 tuổi). Vài năm sau,
khi Dalton 19 tuổi, ông đã được cử giữ chức hiệu trưởng trường trung học này. Về
sau, ông trở nên nổi tiếng vì những đóng góp, lý giải của ông trong thuyết nguyên tử và các nghiên cứu của
ông về bệnh mù màu trong khi bản thân ông cũng mắc căn bệnh này (Dalton bị mù
màu đỏ lục). Lý thuyết về nguyên tử của Dalton là cơ sở để xây dựng các lý thuyết
khác về nguyên tử sau này.
Trong năm 1790 Dalton đã định chọn
ngành luật hay y khoa, nhưng dự định của ông không được khuyến khích của những
người thân, nên ông vẫn ở lại Kendal đến tận mùa xuân năm1793 ông mới di chuyển
đến Manchester. Dalton được bổ nhiệm làm một giáo viên dạy toán và khoa học tự
nhiên ở Học viện Manchester. Ông ở vị trí này đến tận trường này được di chuyển
đến York vào năm 1803, khi đó ông trở thành một giáo viên dạy toán và dạy hóa,
vừa dạy công và dạy tư.
Khí tượng học, thị giác và các lĩnh vực khác
Phương pháp sống của Dalton chịu ảnh
hưởng sâu sắc của một tín đồ phái giáo hữu (Quaker), một nhà khí tượng học xuất
sắc, người đã làm ông quan tâm đến những vấn đề của toán học và khí tượng học.
Năm 1787 ông bắt đầu giữ các ghi chép của ông về khí tượng học ông đã đưa vào
đó hơn 200.000 những quan sát. Ấn bản đầu tiên của ông là Các luận văn và quan
sát khí tượng (Meteorological Observations and Essays) (năm 1793), trong đó có
nhiều ý tưởng là tiền đề cho các phát minh của ông sau đó.
Một tác phẩm khác của Dalton là Những nguyên lý cơ bản của Ngữ pháp tiếng
Anh (Elements of English Grammar), được xuất bản năm 1801. Năm 1794 ông được
bầu vào làm thành viên của Hội Triết học
và Văn chương Manchester (ManchesterLiterary and Philosophical Society).
Thuyết nguyên tử
Vào năm 1808, John Dalton đã đưa ra
lý thuyết nguyên tử của ông dựa trên định
luật bảo toàn khối lượng và định luật tỷ lệ các chất trong các phản ứng hoá
học. Tất cả lý thuyết của ông dựa trên năm giả thuyết. Giả thuyết thứ nhất phát
biểu rằng tất cả vật chất đều được tạo thành từ các nguyên tử. Giả thuyết thứ
hai là các nguyên tử của cùng một nguyên tố sẽ có cùng một cấu trúc và tính chất.
Giả thuyết thứ ba là các nguyên tử không thể bị phân chia, không thể được sinh
ra hoặc mất đi. Giả thuyết thứ tư là các nguyên tử của các nguyên tố khác nhau
kết hợp với nhau để tạo ra các hợp chất. Giả thuyết thứ năm là trong các phản ứng
hoá học, các nguyên tử có thể kết hợp, phân tách hoặc tái sắp xếp lại. Lý thuyết
của Dalton không chỉ giải thích các định luật trên mà còn là cơ sở để xây dựng
các lý thuyết khác về nguyên tử sau này.
Sưu tầm THẾ GIỚI DANH NHÂN
Mary Shelley – Nhà văn Người Anh, Tác giả nổi tiếng
Mary Wollstonecraft Shelley (30 tháng 8 năm 1797 – 1 tháng 2 năm 1851) là một nhà văn
người Anh, bà nổi tiếng thế giới vì là tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng: Frankenstein, or The Modern Prometheus,
lại vừa là vợ của nhà thơ lãng mạn Percy
Bysshe Shelley.
Tiểu sử
Mary Shelley
(tên trước khi lấy chồng: Mary
Wollstonecraft Godwin) sinh ở Somers Town, London, là con gái của William
Godwin – là nhà triết học và nhà văn nổi tiếng ở Anh. Mẹ mất sau khi sinh Mary
được 11 ngày nên bố phải gửi cho người khác nuôi, vì sau đó ông còn lấy vợ
khác. Nhờ sự chỉ dẫn của bố nên Mary được học ở những trường tốt nhất thời đó.
Mary gặp Percy Shelly ở cửa hàng sách của bố và sau đó Percy thường xuyên qua lại
cửa hàng này. Mùa hè năm 1814 họ yêu nhau và cùng bỏ trốn sang Pháp. Đây là lần
bỏ đi thứ hai của Percy Shelly. Lần thứ nhất ông cùng Harriet Westbrook bỏ nhà
đi sang Edinburgh. Hai năm sau, khi người vợ thứ nhất của Percy chết, họ làm
đám cưới. Mary và Percy có 4 đứa con nhưng 3 đứa chết khi còn nhỏ.
Năm 1818 Percy và Mary sang sống ở Ý.
Percy cảm thấy hài lòng với người vợ thứ hai của mình, Mary có thể cảm nhận thơ
ca và hiểu triết học của Percy, mặc dù Mary từ chối lời đề nghị của chồng chia
sẻ tình yêu với một người bạn của ông. Mary hiểu rằng lòng chung thủy với những
lý tưởng tình yêu của Percy luôn mâu thuẫn với niềm khát khao nội tại hướng tới
một tình yêu chân chính như ông vẫn thường viết trong những tác phẩm thơ và triết
học của mình. Năm 1822, Percy gặp nạn trên biển, con tim của ông được Mary mang
theo mình cho đến hết đời.
Mary viết tiểu thuyết Frankenstein,
or The Modern Prometheus khi bà mới 19 tuổi, in thành sách năm 1818. Đây là câu
chuyện về chàng sinh viên Victor Frankenstein tạo ra một sinh vật từ nội tạng của
người đã chết. Frankenstein làm cho sinh vật này trở nên sống động rồi đuổi đi.
Sự lưu đày và lòng hận thù làm cho sinh vật này quyết định trả thù bằng cách giết
chết vợ của người tạo ra mình và sau đó là giết chính Frankenstein.Mary Shelley
đã lấy ý tưởng trong một lần đi nghỉ mát với Percy,nhà thơ Byron và bác sĩ John
Polidori bên hồ Geneva,Thụy Sĩ.Byron đã đặt ra cuộc thi viết truyện kinh dị giữa
bốn người.Trong một đêm đen đầy sấm chớp,Mary đã nằm mơ thấy một cảnh tượng mà
sau này trở thành khung cảnh nổi tiếng của Frankenstein:Một chàng sinh viên
đang quỳ gối trước một tạo vật mang hình dáng một người đàn ông ghép từ các bộ
phận từ những cơ thể khác nhau.Và thế là Frankenstein ra đời.
Sau khi chồng mất, bà trở về Anh và
viết tiếp 5 tiểu thuyết nữa, trong số này nổi tiếng nhất có The Last Man (1826)
viết về sự diệt vong của loài người trong thế kỷ XXI vì một trận dịch bí ẩn.
Ngoài tiểu thuyết, bà còn viết truyện, nhật ký và tiểu sử tự thuật. Mary
Shelley mất ở London năm 1851.
Tác phẩm
·
History of a Six Weeks' Tour (1817)
·
Frankenstein or The Modern Prometheus
(1818)
·
Valperga or The Life and Adventures
of Castrussio, Price of Lucca (1823)
·
The Last Man (1826)
·
The Fortunes of Perkin Warbeck (1830)
·
Rambles in Germany and Italy in 1840,
1842 and 1843 (1844)
·
Perkin Warbeck (1830)
·
Lodore (1835)
·
Falkner (1837)
·
Holland (1817)
·
Rambles in Germany and Italy (1844)
Sưu tầm THẾ GIỚI DANH NHÂN
John Theophilus Desaguliers - là triết gia tự nhiên, giáo sĩ, kĩ sư người Anh gốc Pháp
John Theophilus Desaguliers - là triết gia tự nhiên, giáo sĩ, kĩ sư người Anh gốc Pháp
MỤC
LỤC |
THÔNG
TIN |
Sinh |
Jean Théophile Desaguliers 12 tháng 3 năm 1683 La Rochelle, Nouvelle-Aquitaine, Pháp |
Mất |
29 tháng 2 năm 1744 Covent Garden, Westminster, Luân Đôn, Vương
quốc Anh |
Tư cách công dân |
Pháp |
John Theophilus Desaguliers (12
tháng 3 năm 1683 - 29 tháng 2 năm 1744) là triết gia tự nhiên, giáo sĩ, kĩ sư,
thành viên Hội Tam Điểm người Anh gốc Pháp, được bầu vào Hội Hoàng gia năm 1714
với tư cách trợ lí thử nghiệm cho Isaac Newton. Ông đã nghiên cứu tại Oxford và
sau đó phổ biến các lí thuyết của Newton và các ứng dụng thực tế của chúng
trong các bài giảng. Là thành viên Hội Tam Điểm, ông đóng vai trò quan trọng
trong việc thành lập Đại Hội quán (Grand Lodge) của Hội Tam Điểm đầu tiên ở
Luân Đôn và từng là Grand Master thứ ba của tổ chức này. John Theophilus
Desaliers còn nổi tiếng là người duy nhất ba lần được trao Huy chương Copley.
///---
THẾ GIỚI DANH NHÂN ghi
nhận – www.danhnhan.net
J. K. Rowling – Nhà văn, Tác giả nổi tiếng có sách bán chạy nhất mọi thời đại, Nhà từ thiện người Anh
Joanne Rowling
CH, OBE, FRCPE, FRSL (/ˈroʊlɪŋ/ ROH-ling; sinh
ngày 31 tháng 7 năm 1965), thường được biết đến với bút danh J. K. Rowling, là một nhà văn, nhà từ
thiện, nhà sản xuất phim và truyền hình, nhà biên kịch người Anh. Bà nổi tiếng
là tác giả của bộ truyện giả tưởng Harry
Potter từng đoạt nhiều giải thưởng và bán được hơn 500 triệu bản, trở thành
bộ sách bán chạy nhất trong lịch sử.
Bộ sách đã được chuyển thể thành một loạt phim ăn khách mà chính bà đã phê duyệt
kịch bản và cũng là nhà sản xuất của hai phần cuối. Bà cũng viết tiểu thuyết
trinh thám hình sự dưới bút danh Robert
Galbraith.
Xuất thân từ Yate, Gloucestershire,
Rowling nảy sinh ra ý tưởng cho bộ truyện
Harry Potter vào năm 1990 khi bà còn làm việc nghiên cứu và thư ký song ngữ
cho tổ chức Ân xá Quốc tế, trên một chuyến tàu bị hoãn từ Manchester đến Luân
Đôn. Trong thời kỳ bảy năm sau đó, cuộc đời bà có nhiều biến động: mẹ bà qua đời, đứa con đầu lòng ra đời, bà
ly hôn với chồng thứ nhất. Bà sống trong cảnh túng quẫn cho đến khi tiểu
thuyết đầu tay là Harry Potter và Hòn đá Phù thủy ra mắt vào năm 1997.
Sau khi hoàn thành quyển đầu tiên này, bà đã lần lượt xuất bản sáu quyển tiếp
theo trong 10 năm sau đó — với quyển cuối cùng ra mắt vào năm 2007. Sau thời điểm
đó, bà viết thêm vài tác phẩm cho độc giả người lớn: The Casual Vacancy (2012) và loạt truyện trinh thám hình sự Cormoran
Strike (dưới bút danh Robert Galbraith). Năm 2020, bà viết tác phẩm "cổ
tích chính trị" dành cho thiếu nhi, The
Ickabog, ra mắt nhiều kỳ bằng phiên bản trực tuyến.
Cuộc đời của Rowling được miêu tả là "từ
nghèo đến giàu" — lúc mới vào nghề bà còn phải nhận trợ cấp từ chính
phủ, cho đến khi thành công nhờ bộ truyện thì bà trở thành nhà văn tỷ phú đầu tiên trên thế
giới, theo tạp chí Forbes. Rowling phản bác tuyên bố này và cho rằng
mình không phải là tỷ phú. Forbes báo cáo rằng bà không còn là tỷ phú vì đã hiến
tặng phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức thiện. Tổng doanh thu của bà
tính riêng tại Anh đã vượt con số 238 triệu bảng Anh, khiến bà đứng đầu danh
sách tác giả còn sống ở đất nước này. Danh sách người giàu có nhất Anh năm 2021
của tờ Sunday Times ước tính tài sản của bà có trị giá 820 triệu bảng Anh, đưa
bà vào vị trí người giàu có thứ 196. Tạp chí Time nêu danh bà như một trong những
người được cân nhắc để trở thành Nhân vật của năm cho năm 2007, ghi nhận những
cảm hứng xã hội, đạo đức, và chính trị mà bà đã truyền đến những người hâm mộ. Rowling được trao Huân chương Danh dự
(CH) trong lần trao năm 2017 do những cống hiến đến nền văn học và từ thiện.
Tháng 10 năm 2010, bà được các chủ bút tạp chí hàng đầu vinh danh là "Phụ nữ có ảnh hưởng nhất nước Anh".
Rowling ủng hộ nhiều tổ chức từ thiện, trong đó có Comic Relief, One Parent
Families, và Hội Đa xơ cứng Anh; bà cũng là người khởi xướng tổ chức từ thiện
Lumos. Kể từ cuối năm 2019, bà công khai quan điểm của mình về quyền của người
chuyển giới và đã gây ra nhiều tranh cãi.
Tên
Mặc dù bà dùng bút danh J. K. Rowling nhưng tên của bà trước
khi tái hôn chỉ đơn giản là Joanne
Rowling. Vì lo ngại các đối tượng độc giả nam trẻ tuổi có thể sẽ không
thích một tác phẩm của phụ nữ, nên nhà xuất bản đề nghị dùng tên viết tắt của
bà. Vì không có tên đệm, bà đã chọn chữ K (viết tắt từ 'Kathleen', tên bà nội
bà) làm ký tự thứ hai trong bút danh. Bà tự gọi mình là Jo. Sau khi tái hôn, có
một số lần bà sử dụng tên Joanne Murray
cho vấn đề cá nhân. Trong vụ thẩm vấn Leveson, bà làm nhân chứng dưới tên Joanne Kathleen Rowling; mục tiểu sử về
bà trong quyển dữ liệu Who's Who cũng liệt kê tên bà là Joanne Kathleen Rowling.
Cuộc đời và sự nghiệp
Xuất thân và gia đình
Joanne Rowling
sinh ngày 31 tháng 7 năm 1965 tại
Yate, Gloucestershire; mẹ bà là Anne
(nhũ danh Volant), một kỹ thuật gia khoa học, còn cha bà là Peter James Rowling, một kỹ sư máy bay
của Rolls-Royce. Bố mẹ bà gặp nhau lần đầu tại sân ga Ngã tư Vua để đi tới
Arbroath vào năm 1964. Họ cưới nhau vào ngày 14 tháng 3 năm 1965. Ông cố ngoại
của bà là Dugald Campbell, một người
Scotland, sinh ra ở Lamlash. Ông nội của mẹ bà, Louis Volant, là người Pháp, được trao tặng giải thưởng Croix de
Guerre vì lòng can đảm cho việc bảo vệ ngôi làng Courcelles-le-Comte trong Thế
chiến thứ nhất. Lúc đầu, Rowling tưởng
ông được trao huân chương Bắc Đẩu Bội tinh trong chiến tranh: bà nói vậy khi
chính mình được nhận huân chương này năm 2009. Đến khi xuất hiện trong một tập
của chương trình phả hệ Who Do You Think You Are?, bà mới biết Louis Volant được trao huy chương không
phải là ông cố Volant của bà, và chính thức đính chính. Khi được nghe kể về câu
chuyện dũng cảm của ông cố, bà vỡ lẽ ra rằng giải Croix de guerre là dành cho
những người lính "bình thường" như ông cố của bà - một nhân viên phục
vụ bàn - và nói, với bà, giải Croix de guerre "tốt hơn" là Bắc Đẩu Bội
tinh.
Thời thơ ấu
Khi Rowling 23 tháng tuổi, Dianne em gái bà chào đời. Năm bà 4 tuổi, gia đình bà phải chuyển tới Winterbourne - một ngôi làng gần đó. Khi còn nhỏ, bà thường viết truyện kỳ ảo và thường đọc cho em gái nghe. Khi lên 9, Rowling lại dọn đến ngôi nhà Church Cottage ở làng Tutshill, Gloucestershire, gần Chepstow, Wales. Khi đến tuổi thiếu niên, bà dì của Rowling tặng cho bà cuốn Hons and Rebels - tự truyện của Jessica Mitford. Rowling coi tác giả Mitford là thần tượng của mình, và đọc hết sách của Mitford.
Rowling nói rằng
thời thiếu niên của mình không được vui. Cuộc sống gia đình bà phức tạp hơn từ
khi mẹ bà bị chẩn đoán mắc chứng đa xơ cứng và có quan hệ căng thẳng với người
cha mà đến nay bà vẫn còn không liên lạc. Bà cho biết bà tạo ra nhân vật Hermione Granger dựa trên chính mình
năm 11 tuổi. Sean Harris, bạn thân của bà từ lớp Upper Sixth (tương đương lớp
12), có một chiếc Ford Anglia màu ngọc lam; chiếc xe này chính là hình mẫu của
chiếc xe bay trong Harry Potter và Phòng chứa bí mật. Như các thiếu niên khác
thời đó, Rowling nghe nhạc của các ban nhạc The Smiths, The Clash và Siouxsie
Sioux. Bà thường ăn vận theo phong cách của ban nhạc Siouxsie Sioux, chải tóc
ra sau và kẻ mắt màu đen cho đến khi bắt đầu vào đại học.
Giáo dục
Rowling theo học
trường tiểu học St Michael's do nhà bãi nô William
Wilberforce và nhà cải cách giáo dục Hannah
More thành lập. Alfred Dunn, hiệu
trưởng khi đó, được cho là hình mẫu của nhân vật Albus Dumbledore. Bà học sơ trung ở Wyedean School and College, nơi
mẹ bà làm việc (ban khoa học). Steve
Eddy, giáo viên dạy bà môn Anh văn ở đó, nhận xét bà khi đó "không đặc
biệt", nhưng là "một trong các nữ sinh thông minh và giỏi môn Anh
văn". Bà nhận chứng chỉ A-level trong các môn Anh văn, tiếng Pháp, tiếng Đức,
với hai điểm A và một điểm B; và là nữ sinh đại diện trường (head girl).
Năm 1982, Rowling dự kỳ thi tuyển vào Đại học Oxford nhưng bị trượt, nên theo
học Đại học Exeter rồi nhận bằng cử nhân tiếng Pháp và ngôn ngữ cổ điển ở đó. Martin Sorrell, một giáo sư môn tiếng
Pháp ở Exeter, nói Rowling là một
sinh viên "giỏi thầm lặng trong chiếc
áo khoác denim và bộ tóc đen, và, nói theo kiểu hàn lâm là, có phong thái làm
được những gì cần làm". Theo như Rowling
kể lại, bà học rất ít, và thích đọc truyện của Dickens và Tolkien hơn. Năm
1986, sau một năm học ở Paris, Rowling tốt nghiệp Exeter. Hai năm sau, bà viết
một bài luận ngắn về thời gian học môn Ngôn ngữ cổ có tiêu đề "Tên thần nữ đó là gì?, hay là Nhớ lại
các môn tiếng Hy Lạp và Latin"; bài này được đăng trên tập san Pegasus
của trường đại học Exeter.
Nguồn cảm hứng và cái chết của người mẹ
Ở London, Rowling trở thành nghiên cứu sinh và thư ký song ngữ cho tổ chức Ân
xá Quốc tế, nhưng rồi quyết định chuyển đến Manchester với bạn trai và làm việc
tại phòng thương mại. Năm 1990, khi đang ngồi trên chuyến tàu khởi hành trễ 4
tiếng từ Manchester tới London, bà bỗng "hoàn toàn hình thành" ý tưởng về một cậu bé đi học trường pháp
thuật, và đặt bút viết câu chuyện ngay khi về đến căn hộ của mình tại Clapham
Junction.
Tháng 12 năm đó, bà Anne, mẹ của Rowling, qua đời sau 10 năm chống chọi với bệnh đa xơ cứng. Khi đó,
Rowling đang viết Harry Potter, nhưng chưa từng nói với mẹ.
Cái chết của mẹ có tác động rất lớn tới tác phẩm của Rowling. Bà xoa dịu nỗi đau mất mát bằng cách viết nhiều và chi tiết
hơn về nỗi buồn của Harry trong tập 1.
Hôn nhân, ly dị và bà mẹ đơn thân
Sau khi đọc được một mục quảng cáo
trên tờ The Guardian, Rowling đã quyết định đến Porto, Bồ Đào Nha để dạy tiếng
Anh cho người bản xứ. Bà dạy ban đêm và viết ban ngày, khi nghe bản Concerto
cho violin của Tchaikovsky. Sau 18 tháng ở đây, bà gặp Jorge Arantes - một
phóng viên truyền hình người Bồ Đào Nha - trong một quán bar; hai người nói
chuyện và phát hiện sở thích chung là nữ văn sĩ Jane Austen. Ngày 16 tháng 10 năm 1992, bà kết hôn với Arantes và hạ
sinh bé Jessica Isabel Rowling Arantes (đặt tên theo Jessica Mitford) tại Bồ Đào Nha vào ngày 27 tháng 7. Trước đó, bà từng
bị sảy thai. Khi Jessica gần 4 tháng
tuổi, ngày 17 tháng 11, hai người ly thân. Những người viết tiểu sử cho rằng Rowling đã bị bạo hành gia đình; về
sau, điều này được bà xác nhận. Tháng 6 năm 2020, trong một bài báo trên tờ The
Sun, Arantes cho biết ông đã tát vào mặt Rowling
và không hề cảm thấy hối hận. Nicole
Jacobs, Ủy viên về bạo hành gia đình cho Vương quốc Anh, nói việc The Sun
"lặp lại và phóng đại phát ngôn của
một người công khai bạo hành bạn tình" là không thể chấp nhận được. Tháng
12 năm 1993, Rowling và con gái,
cùng ba chương của Harry Potter trong va li, chuyển đến Edinburgh, Scotland, gần
nơi em gái bà sống.
Bảy năm sau khi tốt nghiệp đại học, Rowling cảm thấy bản thân mình thật thất
bại. Tuy hôn nhân tan vỡ, bị thất nghiệp, có một đứa con phải phụ thuộc vào
mình, nhưng bà lại nói sự thất bại đó đã "giải phóng" bà, cho phép bà tập trung hơn vào việc viết
sách. Trong khoảng thời gian này, Rowling
bị trầm cảm và từng có ý định tự tử. Căn bệnh này đã trở thành cảm hứng cho các
Giám ngục Azkaban - những sinh vật hút linh hồn xuất hiện lần đầu trong tập
sách thứ ba. Bà đăng ký hưởng phúc lợi xã hội, và nói tình trạng kinh tế lúc đó
là "nghèo hết mức trong xã hội nước
Anh hiện đại, nhưng chưa bị vô gia cư."
Rowling sống
trong tuyệt vọng sau khi Arantes tới Scotland tìm bà và con gái. Bà xin tòa cho
lệnh quản thúc, và chỉ khi bà đệ đơn ly dị tháng 8 năm 1994, Arantes mới về Bồ
Đào Nha. Tháng 8 năm 1995, sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tay trong thời
kỳ sống bằng nguồn trợ cấp chính phủ, bà bắt đầu học khóa đào tạo giáo viên ở
Moray House School of Education tại Đại học Edinburgh. Bà viết truyện ở nhiều
quán cà phê, đặc biệt là quán Nicolson's Café của em rể bà và quán Elephant
House - bất cứ chỗ nào bé Jessica ngủ được. Trong một cuộc phỏng vấn cho BBC
năm 2001, bà phủ nhận tin đồn bà đến quán vì muốn thoát khỏi căn hộ lạnh lẽo.
Bà cho biết căn hộ của bà có đồ sưởi ấm, nhưng thích viết ở quán hơn, vì quán
có sẵn cà phê, do đó bà không phải gián đoạn việc viết lách, và việc đi dạo
giúp Jessica dễ ngủ.
Harry Potter
Vào năm 1995, Rowling hoàn tất bản thảo cho quyển Harry Potter và Hòn đá Phù
thủy mà bà đã đánh máy trên máy đánh chữ thủ công. Sau khi nhận được lời
khen nhiệt tình từ Bryony Evens, một độc giả được giao nhiệm vụ đánh giá ba
chương đầu của quyển sách, Cơ quan Đại diện Văn chương Christopher Little có trụ
sở ở Fulham đồng ý đại diện bà để tìm một nhà xuất bản. Quyển sách được đệ
trình cho 12 nhà xuất bản nhưng không nơi nào chịu nhận bản thảo. Một năm sau,
bà nhận sự chấp nhận (và khoản tiền tạm ứng là 1.500 bảng Anh) của Barry
Cunningham từ Bloomsbury, một nhà xuất bản ở Luân Đôn. Quyết định xuất bản quyển
sách của Rowling phần lớn là nhờ vào
Alice Newton, cô con gái 8 tuổi của chủ tịch Bloomsbury, người được cha cô đưa
chương đầu để đọc và đánh giá và đã ngay lập tức đòi lấy đọc chương tiếp theo. Dù
Bloomsbury đã đồng ý xuất bản cuốn sách, Cunningham cho biết ông đã khuyên
Rowling nên tìm nghề chính, vì công việc viết sách thiếu nhi khó làm ra tiền. Không
lâu sau, trong năm 1997, Rowling nhận
được một khoản trợ cấp 8.000 bảng Anh từ Hội đồng Nghệ thuật Scotland để có thể
tiếp tục viết lách.
Tháng 6 năm 1997, Bloomsbury xuất bản
quyển Hòn đá Phù thủy (dưới tựa đề
nguyên gốc là Harry Potter and the
Philosopher's Stone) với số lượng 1.000 bản trong lần in đầu, trong đó 500
được phân phối đến các thư viện. Ngày nay, những phiên bản này trị giá từ
16.000 đến 25.000 bảng Anh. Năm tháng sau, quyển sách giành được giải thưởng đầu
tiên, Giải sách Nestlé Smarties. Tháng 2 năm 1998, tiểu thuyết giành Giải Sách
Anh ở hạng mục Sách Thiếu nhi của Năm, và sau đó nhận Giải Sách Thiếu nhi. Đầu
năm 1998, một cuộc đấu giá được tổ chức ở Hoa Kỳ để mua lại quyền xuất bản quyến
sách, và Scholastic Inc. thắng cuộc với giá 105.000 USD. Rowling cho biết bà đã "[mừng] gần chết" khi nghe tin. Vào
tháng 10 năm 1998, Scholastic xuất bản quyển Hòn đá Phù thủy dưới tựa đề là
Harry Potter and the Sorcerer's Stone. Sau này Rowling nói rằng bà cảm thấy thấy hối tiếc và nếu có địa vị mạnh
hơn vào lúc đó thì bà đã không đồng ý với cái tên mới này. Với số tiền nhận được
từ Scholastic trong cuộc đấu giá, Rowling
dọn ra khỏi căn hộ của mình và đến số 19 Hazelbank Terrace ở Edinburgh.
Phần tiếp theo, Harry Potter và Phòng
chứa Bí mật, xuất bản vào tháng 7 năm 1998 và một lần nữa đem lại cho Rowling Giải Smarties. Tháng 12 năm
1999, tiểu thuyết thứ ba là Harry Potter
và tên tù nhân ngục Azkaban lại thắng Giải Smarties, khiến Rowling trở thành người đầu tiên thắng
giải này ba năm liên tiếp. Sau đó bà rút quyển tiểu thuyết Harry Potter thứ tư
ra khỏi danh sách ứng cử để công bằng hơn cho các quyển khác. Tháng 1 năm 2000,
Tên tù nhân ngục Azkaban giành Giải
Sách Thiếu nhi của năm Whitbread trong năm đầu tiên, tuy nhiên quyển sách không
giành được giải Sách của năm, được trao cho bản dịch tác phẩm Beowulf của Seamus Heaney.
Quyển thứ tư, Harry Potter và Chiếc cốc lửa, ra mắt cùng ngày tại Anh và Hoa Kỳ
vào ngày 8 tháng 7 năm 2000 và đã đạt kỷ lục bán chạy ở cả hai nước với 372.775
quyển được bán vào ngày đầu tiên tại Anh, gần bằng con số mà Tên tù nhân ngục Azkaban bán được trong
năm đầu. Tại Hoa Kỳ, tiểu thuyết bán được 3 triệu quyển trong vòng 48 tiếng đầu
tiên, vượt qua mọi kỷ lục trước đó. Rowling
cho biết bà đã gặp khủng hoảng trong lúc sáng tác tiểu thuyết và phải viết đi
viết lại một chương nhiều lần để sửa một lỗi trong cốt truyện. Rowling được vinh danh là Tác giả của
Năm tại Giải Sách Anh năm 2000.
Sau khi Chiếc cốc lửa xuất bản, độc giả phải đợi ba năm để đọc được quyển
Harry Potter thứ năm là Harry Potter và
Hội Phượng Hoàng. Khoảng cách thời gian này đã khiến báo chí suy đoán rằng Rowling đã mắc phải chứng writer's
block (một khái niệm khi tác giả mất ý tưởng sáng tác trong viết lách); bà đã
phủ nhận các suy đoán này. Rowling sau này nói rằng việc sáng tác quyển sách là
một công việc phải làm, lẽ ra nói nên ngắn hơn, và bà đã hết thời gian và nghị
lực khi cố gắng hoàn tất quyển sách.
Quyển thứ sáu, Harry Potter và Hoàng tử lai, ra mắt vào ngày 16 tháng 7 năm 2005.
Tiểu thuyết cũng vượt qua tất cả kỷ lục bán chạy trước đó, bán được 9 triệu bản
trong vòng 24 tiếng sau khi xuất bản. Năm 2006, Hoàng tử lai giành Giải Sách
Anh ở hạng mục Sách của Năm.
Tựa của quyển Harry Potter thứ bảy và
cũng là cuối cùng được công bố vào ngày 21 tháng 12 năm 2006 là Harry Potter và Bảo bối Tử thần. Vào
tháng 2 năm 2007, báo chí đăng tin rằng Rowling
đã viết trên một bức tượng bán thân trong phòng khách sạn của mình ở Khách sạn
Balmoral ở Edinburgh rằng bà đã hoàn tất quyển thứ bày trong phòng đó vào ngày
11 tháng 1 năm 2007. Harry Potter và Bảo
bối Tử thần ra mắt vào ngày 21 tháng 7 năm 2007 (0:01 BST) và vượt qua kỷ lục
của quyển trước, trở thành quyển sách bán
chạy nhất mọi thời đại. Tiểu thuyết bán được 11 triệu quyển trong ngày đầu
tiên phát hành tại Anh và Hoa Kỳ. Chương cuối của quyển sách là một trong những
đoạn đầu tiên mà bà đã viết trong toàn bộ loạt sách.
Harry Potter
hiện nay là một thương hiệu toàn cầu trị giá khoảng 15 tỷ USD, và bốn quyển Harry Potter cuối cùng đã lần lượt lập
kỷ lục sách bán chạy nhất mọi thời đại. Toàn bộ loạt sách, với tổng cộng 4.195
trang, đã được dịch toàn bộ hay một phần ra 65 ngôn ngữ khác nhau.
Những tiểu thuyết Harry Potter cũng đã được công nhận
trong việc khiến giới trẻ quan tâm đến việc đọc sách trong thời điểm mà người
ta tưởng rằng trẻ em đang bỏ sách để chơi máy tính, xem truyền hình hay chơi
các trò chơi video, dù cũng có báo cáo rằng tuy những quyển sách này nhận nhiều
độc giả, giới thanh thiếu niên vẫn tiếp tục giảm đọc sách.
Loạt phim Harry Potter
Tháng 10 năm 1998, hãng Warner Bros.
trả hàng triệu đô la để mua quyền sản xuất phim cho hai quyển đầu. Bộ phim chuyển
thể đầu tiên, Harry Potter và Hòn đá Phù
thủy ra mắt vào ngày 16 tháng 11 năm 2001, và phim thứ hai là Harry Potter và Phòng chứa Bí mật ra mắt
ngày 15 tháng 11 năm 2002. Cả hai phim đều do Chris Columbus đạo diễn. Bộ phim chuyển thể thứ ba, Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban,
ra mắt vào ngày 4 tháng 6 năm, do Alfonso
Cuarón đạo diễn. Bộ phim thứ tư là Harry
Potter và Chiếc cốc lửa, do Mike
Newell đạo diễn, ra mắt vào ngày 18 tháng 11 năm 2005. Tập năm là Harry Potter và Hội Phượng hoàng được
phát hành vào ngày 11 tháng 7 năm 2007. David
Yates đạo diễn và Michael Goldenberg
viết kịch bản sau khi thay thế Steve
Kloves. Harry Potter và Hoàng tử lai
được phát hành vào ngày 15 tháng 7 năm 2009. David Yates một lần nữa đạo diễn, trong khi Kloves trở lại với vai
trò biên kịch. Warner Bros chia phần cuối của loạt phim, tức Harry Potter và Bảo
bối Tử thần, thành hai phần; phần một ra mắt vào ngày 19 tháng 11 năm 2010
trong khi phần hai ra mắt vào ngày 15 tháng 7 năm 2011. Yates đảm nhận công việc
đạo diễn cả hai phim.
Khi soạn thảo hợp đồng với Rowling, Warner Bros rất lưu ý đến ý muốn của
bà. Một trong những điều kiện chính của Rowling
là loạt phim phải được quay tại Anh với tất cả diễn viên đều phải là người Anh;
việc này đã được thực hiện phần lớn. Rowling cũng yêu cầu Coca-Cola, công ty thắng
cuộc trong cuộc đua quảng cáo các sản phẩm của mình chung với loạt phim, quyên
góp 18 triệu USD cho tổ chức từ thiện
khuyến đọc Reading Is Fundamental,
cũng như một số chương trình từ thiện cộng đồng.
Steve Kloves
viết kịch bản cho hầu hết các bộ phim trừ tập năm; Rowling cũng góp phần vào việc viết kịch bản để bảo đảm kịch bản
không mâu thuẫn với những tình tiết trong những tập sách chưa xuất bản. Bà tiết
lộ với Alan Rickman (vai Severus
Snape) và Robbie Coltrane (vai
Hagrid) một số bí mật về nhân vật mà họ thủ vai trước khi được công bố trong tiểu
thuyết. Daniel Radcliffe (vai Harry
Potter) từng hỏi bà rằng liệu Harry có lần nào chết trong loạt truyện không; Rowling trả lởi rằng, "Cháu sẽ có một cảnh chết", do đó
không trực tiếp trả lời câu hỏi. Đạo diễn Steven
Spielberg ban đầu cũng được thương lượng để đạo diễn phim đầu, nhưng đã rút
khỏi. Báo chí nhiều lần cho rằng Rowling
là lý do mà ông đã rút khỏi, nhưng bà nói rằng mình không có quyền can dự vào
quyết định ai sẽ là đạo diễn và bà nếu Spielberg
được chọn bà cũng sẽ không phản đối. Người mà Rowling lựa chọn ban đầu để đạo diễn là Terry Gilliam, thành viên của nhóm Monty Python, nhưng Warner Bros muốn có một bộ phim phù hợp
cho cả gia đình nên đã chọn Columbus.
Rowling có một
số quyền quản lý liên quan đến sự sáng tạo của phim, và đã phê chuẩn tất cả các
kịch bản cũng như đóng vai trò nhà sản xuất trong hai bộ phim cuối cùng là Bảo bối
tử Thần.
Rowling, nhà sản
xuất David Heyman và David Barron, cùng với các đạo diễn David Yates, Mike Newell và Alfonso Cuarón
đã nhận Giải Michael Balcon cho Cống hiến Nổi bật Anh cho Điện ảnh tại Giải thưởng
Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh Quốc năm 2011 nhằm vinh danh loạt phim Harry Potter.
Vào tháng 9 năm 2013, Warner Bros. công bố một "hợp tác
sáng tạo mở rộng" với Rowling,
dựa vào một loạt phim mới về nhân vật Newt
Scamander, tác giả hư cấu của quyển Những sinh vật huyền bí và nơi tìm ra
chúng trong Harry Potter. Bộ phim đầu tiên được phát hành vào tháng 11 năm 2016
và lấy bối cảnh khoảng 70 năm trước các sự kiện của loạt phim chính. Năm 2016,
hãng phim cho biết loạt phim sẽ gồm năm tập. Tập thứ hai, Sinh vật huyền bí: Tội
ác của Grindelwald, ra nắt vào tháng 11 năm 2018.
Thành đạt
Vào năm 2004, Forbes nêu danh Rowling là người
đầu tiên trở thành tỷ phú đô la Mỹ nhờ viết sách, người phụ nữ trong
ngành giải trí giàu thứ nhì, và người giàu thứ 1.062 trên thế giới. Rowling tranh cãi các số liệu này và
cho rằng mình dù có nhiều tiền nhưng chưa phải là tỷ phú. Danh sách Sunday
Times Rich List năm 2021 ước lượng tài sản của Rowling ở mức 820 triệu bảng
Anh, đưa bà vào vị trí thứ 196 trong danh sách người giàu nhất nước Anh. Sau
tám năm đứng tên trong danh sách, vào năm 2012 Forbes đã rút tên bà khỏi danh
sách với lý do số tiền quyên góp từ thiện 160 triệu USD và mức thuế cao ở Anh
có nghĩa rằng bà không còn là tỷ phú. Vào tháng 2 năm 2013, bà được chương
trình Woman's Hour trên đài BBC Radio 4 đánh giá là người phụ nữ quyền hạn đứng
thứ 13 ở Anh.
Năm 2001, sau khi bà mua ngôi nhà lịch
sử Killiechassie House và khuôn viên xung quanh nằm ở bờ sông Tay, gần
Aberfeldy ở Perth and Kinross, bà nhận được tước hiệu Laird (tương đương Lãnh
chúa) của Killiechassie. Bà cũng sở hữu một ngôi nhà xây dựng theo kiến trúc
George trị giá 4,5 triệu bảng Anh ở Kensington, phía Tây Luân Đôn, trên con đường
có bảo vệ 24 tiếng mỗi ngày.
Rowling liên tục
được đưa vào danh sách các tác giả có doanh thu cao nhất. Bà đứng đầu danh sách
tác giả được trả nhiều tiền nhất trong năm 2017 và 2019 do Forbes công bố với tổng
doanh thu lần lượt là 72 triệu bảng (95 triệu USD) và 92 triệu USD.
Tái hôn và gia đình
Ngày 26 tháng 11 năm 2001, Rowling kết hôn với Neil Murray (sinh
ngày 30 tháng 6 năm 1971), một bác sĩ người Scotland, trong một lễ cưới tại nhà
riêng là Killiechassie House ở Scotland. Con trai của họ là David Gordon
Rowling Murray, sinh ra vào ngày 24 tháng 3 năm 2003. Không lâu sau khi Rowling
bắt đầu viết Harry Potter và Hoàng tử lai, bà phải ngưng công việc viết lách để
chăm sóc David khi còn sơ sinh.
Rowling là bạn của Sarah Brown, phu
nhân của cựu thủ tướng Gordon Brown;
hai người quen nhau khi hợp tác trong một dự án từ thiện. Khi con trai của
Sarah Brown là Fraser sinh ra vào năm 2003, Rowling là một trong những người đầu
tiên đến bệnh viện viếng thăm. Con gái út của Rowling là Mackenzie Jean Rowling
Murray, người được bà đề tặng cuốn Harry Potter và Hoàng tử lai, sinh ra vào
ngày 23 tháng 1 năm 2005.
Vào tháng 10 năm 2012, một bài viết
trên tạp chí The New Yorker cho biết gia đình Rowling sống trong một ngôi nhà ở
Edinburgh được xây dựng từ thế kỷ 17, phía trước có hàng rào bằng cây thông cao
che đậy. Trước tháng 10 năm 2012, Rowling sống gần tác giả Ian Rankin, người
sau này cho biết bà có vẻ trầm lặng và nội tâm, và thoải mái hơn với trẻ con. Tính
đến tháng 6 năm 2014, gia đình bà sinh sống ở Scotland.
The Casual Vacancy
Tháng 7 năm 2011, Rowling rời bỏ cơ
quan đại diện của mình là Christopher Little và chuyển đến một cơ quan mới do một
cựu nhân viên của Christopher Little là Neil Blair thành lập. Ngày 23 tháng 2
năm 2012, cơ quan của ông, Blair Partnership, tuyên bố trên trang web rằng
Rowling đang chuẩn bị xuất bản một quyển sách mới cho đối tượng là người lớn.
Trong một thông cáo báo chí, Rowling cho biết tác phẩm mới của mình sẽ rất khác
biệt so với Harry Potter. Tháng 4 năm 2012, nhà xuất bản Little, Brown and
Company tuyên bố quyển sách có tựa đề The Casual Vacancy và sẽ được xuât bản
vào ngày 27 tháng 9 cùng năm. Rowling đã trả lời phỏng vấn và xuất hiện trước
công chúng để quảng cáo quyển The Casual Vacancy, trong đó có các lần tại
Southbank Centre ở Luân Đôn, Liên hoan văn học Cheltenham, chương trình truyền
hình Charlie Rose và Liên hoan sách Lennoxlove. Trong ba tuần đầu sau khi xuất
bản, The Casual Vacancy đã bán được hơn 1 triệu quyển trên toàn thế giới.
Vào ngày 3 tháng 12 năm 2012, đài BBC
cho biết sẽ chuyển thể quyển The Casual Vacancy thành một loạt phim truyền hình
chính kịch. Nhà đại diện của Rowling là Neil Blair đóng vai trò nhà sản xuất
qua công ty sản xuất độc lập của mình, trong khi Rick Senat đảm nhiệm vai trò
giám đốc sản xuất. Rowling cũng đã hợp tác trong bộ phim chuyển thể, đóng vai
trò giám đốc sản xuất. Bộ phim được trình chiếu trong ba phần, từ ngày 15 tháng
2 đến ngày 1 tháng 3 năm 2015.
Cormoran Strike
Năm 2007, tại Liên hoan sách
Edinburgh, tác giả Ian Rankin cho biết vợ ông đã nhìn thấy Rowling viết một tác
phẩm trinh thám tại một quán cà phê. Sau đó Rankin rút lại tuyên bố này và cho
rằng đó chỉ là một trò đùa, nhưng lời đồn vẫn tiếp diễn; năm 2012 một bài viết
trên tờ The Guardian phỏng đoán rằng tác phẩm kế tiếp của Rowling sẽ là mọt tiểu
thuyết trinh thám hình sự. Trong một cuộc phỏng vấn với Stephen Fry năm 2005,
Rowling cho biết bà muốn xuất bản những quyển sách sau này dưới một bút danh,
nhưng trước đó cũng đã thừa nhận với Jeremy Paxman trong năm 2003 rằng nếu bà
làm vậy, báo chí sẽ phanh phui ra "trong giây phút".
Tháng 4 năm 2013, Little Brown cho xuất
bản quyển The Cuckoo's Calling, được cho là tiểu thuyết đầu tay của tác giả
Robert Galbraith, được nhà xuất bản miêu tả là "một cựu điều tra viên chìm
của Sở Cảnh sát Quân sự Hoàng gia, người đã rời bỏ công việc năm 2003 để hoạt động
trong ngành an ninh dân sự". Tiểu thuyết là một câu chuyện trinh thám,
trong đó thảm tử tư Cormoran Strike phanh phui vụ án về cái chết của một siêu mẫu,
bán được 1.500 quyển bìa cứng (dù vụ việc chưa kết thúc tính đến ngày 21 tháng
7 năm 2013; những báo cáo sau này cho biết con số này là số bản trong lần in đầu,
trong khi con số quyển bán được là khoảng 500) và nhận được nhiều khen ngợi từ
các nhà văn trinh thám hình sự khác cũng như giới phê bình. Một bài phê bình của
Publishers Weekly miêu tả quyển sách là "tác phẩm đầu tay xuất sắc", trong
khi mục trinh thám của tạp chí chuyên ngành Library Journal miêu tả tiểu thuyết
là "tác phẩm đầu tay của tháng".
Tiểu thuyết gia kiêm nhà phụ trách mục
báo tờ The Sunday Times là India Knight vào ngày 9 tháng 7 năm 2017 viết một lời
tweet rằng bà đang đọc quyển The Cuckoo's Calling và cho rằng nó là một tiểu
thuyết đầu tay tốt. Một tweeter tên Jude Callegari đáp lời rằng tác giả là
Rowling. Knight gặng hỏi về việc này nhưng không được trả lời. Knight thông báo
cho Richard Brooks, chủ bút chuyên mục nghệ thuật cho tờ The Sunday Times và
ông bắt đầu cuộc điều tra riêng. Sau khi khám phá rằng Rowling và Galbraith có
cùng nhà đại diện cũng như nhà biên soạn, ông đã gửi những tác phẩm để phân
tích về văn phong; cuộc phân tích đã tìm ra nhiều điểm tương đồng, và ông đã
liên lạc với nhà đại diện của Rowling và nhận lời xác nhận rằng đây chính là
bút danh của Rowling. Chỉ trong vài ngày sau khi Rowling được xác định là tác
giả, quyển sách tăng vọt số lượng bán lên 4.000%, và Little Brown in thêm
140.000 bản để có đủ để bán. Tính đến ngày 18 tháng 7 năm 2013, một quyển phiên
bản đầu có chữ ký được bán với giá 4.453 USD (2.950 GBP), trong khi một quyển
không có chữ ký được bày bán với giá 6.188 USD (3.950 GBP).
Rowling cho biết bà thích thú việc viết
dưới một bút danh. Trên trang web Robert Galbraith, Rowling giải thích rằng bà
đã lấy tên từ một trong những thần tượng của mình là Robert F. Kennedy, cùng với
một tên hư cấu bà tự đặt cho chính mình từ lúc thiếu thời là Ella Galbraith. Bình
luận về tên gọi trong một cuộc phỏng vấn với Graham Norton, bà nói rằng,
"khi tôi bị lột mặt – khi thân thế bị lộ diện – người ta phân tích rằng
tên "Robert có nghĩa là danh tiếng chói lọi còn Galbraith có nghĩa là người
lạ" trong khi tôi lại nghĩ rằng "thật vậy ư? Tôi chưa biết điều
đó!" Như, bạn biết đó, đôi khi mọi việc bị phân tích quá đáng."
Sau khi vụ việc được sáng tỏ, Brooks
đặt nghi vấn rằng liệu Jude Callegari có phải chính là Rowling không và toàn bộ
vụ việc có phải là một chiêu quảng cáo. Một số người nhận thấy một số nhà văn
khen ngợi tiểu thuyết lúc ban đầu, như Alex Gray hoặc Val McDermid, là những
người quen biết với Rowling; cả hai đều khăng khăng phủ nhận họ biết trước về
việc Rowling là tác giả. Judith "Jude" Callegari là bạn thân của vợ
Chris Gossage, một thành viên trong tổ hợp luật sư đại diện cho Rowling là
Russells Solicitors. Rowling đưa ra thông cáo cho rằng bà cảm thấy thất vọng và
tức giận; Russells xin lỗi về rò rĩ này, xác nhận rằng đây không phải là một
chiêu tiếp thị và ông chỉ "tiết lộ riêng tư cho một người mà ông tuyệt đối
tin tưởng". Russells quyên một khoản tiền cho tổ chức từ thiện Soldiers'
Charity dưới tên Rowling và hoàn trả chi phí pháp lý cho bà. Ngày 26 tháng 11
năm 2013, Cơ quan Quy định Cố vấn pháp luật (Solicitors Regulation Authority,
SRA) lập biên bản khiển trách Gossage và phạt ông 1.000 bảng Anh vì vi phạm luật
lệ về quyền riêng tư.
Ngày 17 tháng 2 năm 2014, Rowling
tuyên bố tiểu thuyết Cormoran Strike thứ hai, với tựa đề The Silkworm, sẽ ra mắt
vào tháng 6 cùng năm. Trong đó, Strike sẽ điều tra vụ mất tích của một nhà văn
mà đã làm phật lòng nhiều bạn bè vì đã nói xấu họ trong quyển tiểu thuyết mới của
mình.
Năm 2015, Rowling cho biết trên trang
web của Galbraith rằng tiểu thuyết Cormoran Strike thứ ba sẽ có "kế hoạch
cặn kẽ, đây là điều tôi làm nhiều nhất trong tất cả những tác phẩm của mình từ
trước đến nay. Tôi có một bảng tính chia theo màu để có thể ghi nhớ lại những
[tình tiết] mà mình sẽ viết đến." Vào ngày 24 tháng 4 năm 2015, Rowling
tuyên bố đã hoàn tất công việc sáng tác quyển thứ ba. Dưới từa đề là Career of
Evil, tiểu thuyết ra mắt vào ngày 20 tháng 10 cùng năm tại Hoa Kỳ, và ngày 22
tháng 10 tại Anh.
Năm 2017, đài BBC trình chiếu loạt
phim truyền hình Cormoran Strike, với Tom Burke trong vai Cormoran Strike, tại
Hoa Kỳ và Canada nó được HBO phân phối.
Tháng 3 năm 2017, Rowling công bố tựa
tiểu thuyết thứ tư trên Twitter trong một trò chơi "Hangman" cho người
hâm mộ. Sau nhiều lần thất bại, những người hâm mộ đã cuối cùng đoán trúng tựa
tác phẩm. Rowling xác nhận tựa tác phẩm là Lethal White. Tuy dự kiến xuất bản
năm 2017, Rowling đã tweet rằng quyển sách đang tiến triển chậm hơn dự kiến và
sẽ là quyển dài nhất trong loạt truyện. Quyển sách ra mắt vào ngày 18 tháng 9
năm sau. Quyển thứ năm trong loạt truyện, với tựa là Troubled Blood, ra mắt vào
tháng 9 năm 2020. Vào tháng 5 năm 2021, Troubled Blood Giải Sách Anh ở hạng mục
Sách Hình sự và Trinh thám của Năm.
Những ấn phẩm Harry Potter sau này
Rowling cho biết ít có khả năng bà sẽ
viết tiếp truyện Harry Potter. Vào tháng 10 năm 2007, bà cho biết các tác phẩm
tương lai của mình cũng chắc không nằm trong thể loại kỳ ảo. Vào ngày 1 tháng
10 năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey, Rowling cho biết một
quyển sách mới trong loạt truyện có thể sẽ xảy ra.
Trong năm 2007, Rowling cho biết bà
đang dự tính viết một bách khoa toàn thư về thế giới phù thủy trong Harry
Potter bao gồm những tài liệu và ghi chép chưa xuất bản. Mọi lợi nhuận từ quyển
sách này bà sẽ quyên cho các tổ chức từ thiện. Tại một cuộc họp báo tại Kodak
Theatre ở Hollywood năm 2007, khi được hỏi về tiến triển của quyển bách khoa,
Rowling cho biết, "Nó chưa có đâu, và tôi cũng chưa bắt đầu viết. Tôi chưa
bao giờ nói rằng nó là điều kế tiếp mình sẽ làm." Cuối năm 2007, Rowling
cho biết quyển bách khoa toàn thư có thể sẽ tốn đến 10 năm để hoàn tất.
Tháng 6 năm 2011, Rowling tuyên bố
các dự án Harry Potter trong tương lai, cũng như các tài liệu điện tử, đều sẽ nằm
trên một website mới thành lập, tên là Pottermore. Trang web chứa đựng khoảng
18.000 từ bao gồm thông tin về các nhân vật, địa điểm, và vật chất trong thế giới
Harry Potter.
Vào tháng 10 năm 2016, Rowling tuyên
bố trên Pottermore rằng một vở kịch hai phần mà bà viết cùng hai nhà soạn kịch
Jack Thorne và John Tiffany, Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa, là
"câu chuyện Harry Potter thứ tám" và sẽ tập trung vào cuộc đời của cậu
con út của Harry Potter là Albus sau phần kết trong Harry Potter và Bảo bối Tử
thần. Vào ngày 28 tháng 10 năm 2015, lượt vé đầu tiên đã bán sạch trong vòng
vài tiếng đầu.
The Ickabog
Kể từ ngày 26 tháng 5 cho đến ngày 10
tháng 7 năm 2020, Rowling đã cho xuất bản một câu chuyện thiếu nhi trên mạng.
The Ickabog ban đầu được nhắc đến như một "truyện cổ tích chính trị"
cho thiếu nhi trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 trên tạp chí Time. Rowling đã bỏ
kế hoạch nhưng quyết định xuất bản cho thiếu nhi để phản ứng với Đại dịch
COVID-19. Một phiên bản in được xuất bản vào ngày 10 tháng 11 năm 2020 và bao gồm
hình ảnh minh họa được chọn trong cuộc thi diễn ra cùng lúc khi xuất bản trực
tuyến. Rowling cho biết tất cả thù lao từ quyển sách sẽ được quyên tặng đến các
tổ chức từ thiện giúp đỡ những người bị COVID-19 ảnh hưởng.
The Christmas Pig
Vào ngày 13 tháng 4 năm 2021, quyển
tiểu thuyết thiếu nhi với tựa đề The Christmas Pig được tuyên bố sẽ xuất bản
vào tháng 10 năm 2021. Câu chuyện này sẽ không liên quan gì đến tất cả các tác
phẩm trước của Rowling.
Hoạt động từ thiện
Năm 2000, Rowling thành lập Quỹ Từ tiện
Volant, với ngân sách hàng năm là 5,1 triệu bảng Anh được dùng cho mục đích xóa
đói giảm nghèo và chống lại bất bình đẳng xã hội. Quỹ cũng trợ cấp các tổ chức
hỗ trợ trẻ em, gia đình cha mẹ đơn thân, và nghiên cứu đa xơ cứng.
Chống đói nghèo và phúc lợi trẻ em
Rowling, từng là một bà bẹ đơn thân,
hiện nay là chủ tịch tổ chức từ thiện Gingerbread (trước kia có tên One Parent
Families), trước đó bà là Sứ giả đầu tiên của tổ chức vào năm 2000. Rowling cộng
tác với Sarah Brown để viết một quyển truyện thiếu nhi để hỗ trợ One Parent
Families.
Năm 2001, tổ chức quyên góp chống đói
nghèo Comic Relief đã thỉnh cầu ba tác giả ăn khách nhất nước Anh — đó là nhà
văn dạy nấu ăn và người dẫn chương trình truyền hình Delia Smith, tác giả bộ
truyện Bridget Jones Helen Fielding, và Rowling — viết những quyển sách ngắn
liên quan đến tác phẩm nổi tiếng nhất của mình để xuất bản. Hai quyển sách của
Rowling, Những sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng và Quidditch qua các thời
đại, được đưa ra như những bản copy của những quyển sách được tìm thấy trong
thư viện của Hogwarts. Từ khi xuất bản vào tháng 3 năm 2001, hai quyển đã đem lại
15,7 triệu bảng Anh cho quỹ. Thêm vào đó, hai quyển cũng đã đem lại 10,8 triệu
bảng ở ngoài nước Anh và khoản tiền này được đưa vào Quỹ Quốc tế Cho Thiếu nhi
và Thanh niên trong Khủng hoảng mới được thành lập. Vào năm 2002, Rowling cũng
đã viết lời mở đầu cho quyển Magic, một tuyển tập truyện hư cấu do Bloomsbury
xuât bản, góp phần gây quỹ cho Hội đông Quốc gia cho Gia đình Cha mẹ Đơn thân.
Năm 2005, Rowling và Thành viên Nghị
viện Châu Âu Emma Nicholson thành lập Children's High Level Group (nay là
Lumos). Vào tháng 1 năm 2006, bà đến Bucharest để gây chú ý đến việc sử dụng
giường chuồng trong các bệnh viện tâm thần cho trẻ em. Để tiếp tục hỗ trợ CHLG,
Rowling cho đấu giá một trong bảy quyển Những chuyện kể của Beedle Người Hát
Rong do chính bà viết tay và vẽ minh họa, một loạt truyện cổ tích được nhắt đến
trong quyển Harry Potter và Bảo bối Tử thần. Công ty bán sách trực tuyến
Amazon.com đã mua lại quyển sách với giá 1,95 triệu bảng Anh vào ngày 13 tháng
12 năm 2007, trở thành quyển sách hiện đại đắt tiền nhất trong một cuộc đấu
giá. Sáu quyển còn lại bà đã cho những người có quan hệ mật thiết đến bộ sách
Harry Potter. Năm 2008, Rowling đồng ý cho xuất bản quyển sách, với lợi nhuận
được quyên góp cho Lumos. Vào ngày 1 tháng 6 năm 2010 (Ngày Quốc tế Thiếu nhi),
Lumos khởi xướng một sự kiện hàng năm—Hãy Thắp Nến Sinh nhật cho Lumos. Vào
tháng 11 năm 2013, Rowling đã quyên góp toàn bộ lợi nhuận từ Những chuyện kể của
Beedle Người Hát Rong, trị giá gần 19 triệu bảng Anh.
Vào tháng 7 năm 2012, Rowling xuất hiện
tại Lễ khai mạc Thế vận hội Mùa hè 2012 tại Luân Đôn, trong đó bà đã đọc một đoạn
văn từ tác phẩm Peter Pan của J. M. Barrie để tri ân Bệnh viện Nhi đồng Great
Osmond Street. Trong lúc bà đọc có sự hiện diện của những quả bóng tượng trưng
cho Chúa tể Voldemort và một số nhân vật từ văn học thiếu nhi khác.
Đa xơ cứng
Rowling đã quyên góp tiền và hỗ trợ nỗ
lực nghiên cứu và điều trị đa xơ cứng, chứng bệnh mà mẹ bà mắc phải trước khi
qua đời năm 1990. Trong năm 2006, Rowling đã quyên góp một khoản tiền đang kể để
thành lập một Trung tâm Thuốc Hồi sinh tại Đại học Edinburgh, sau này được đặt
tên theo mẹ bà là Anne Rowling Regenerative Neurology Clinic. Năm 2010, bà
quyên góp thêm 10 triệu bảng Anh cho trung tâm, và sau đó là 15 triệu nữa vào
năm 2019. Vì lý do nào đó chưa xác định được, Scotland, nơi Rowling sinh sống
có tỷ lệ đa xơ cứng cao nhất thế giới. Vào năm 2003, Rowling tham gia chiến dịch
thành lập tiêu chuẩn chăm sóc người mắc chứng đa xơ cứng. Vào tháng 4 năm 2009,
bà tuyên bố ngừng hỗ trợ tổ chức Hội Đa xơ cứng Scotland, do tranh chấp giữa
các chi nhánh phía Bắc và Nam đã làm suy sụp chí khí và dẫn đến một số người từ
chức.
COVID-19
Vào tháng 5 năm 2020, Rowling tuyên bố
xuất bản tiểu thuyết thiếu nhi The Ickabog, với toàn bộ tiền thù lao tác giả được
quyên tặng cho các tổ chức hỗ trợ những người bị đại dịch COVID-19 ảnh hưởng. Qua
Quỹ Từ thiện Volant, Rowling đã quyên tặng hàng trăm nghìn bảng Anh cho cả hai
tổ chức Khalsa Aid và British Asian Trust để hỗ trợ công việc cứu trợ COVID tại
Ấn Độ, vào tháng 5 năm 2021.
Các hoạt động từ thiện khác
Vào tháng 5 năm 2008, cửa hành sách
Waterstones đã thỉnh cầu Rowling và 12 nhà văn khác (Lisa Appignanesi, Margaret
Atwood, Lauren Child, Sebastian Faulks, Richard Ford, Neil Gaiman, Nick Hornby,
Doris Lessing, Michael Rosen, Axel Scheffler, Tom Stoppard và Irvine Welsh)
sáng tác một tác phẩm tự chọn trên một tờ giấy khổ A5, để đưa bán đấu giá nhằm
gây quỹ cho hai tổ chức từ thiện Dyslexia Action và English PEN. Cống hiến của
Rowling là một đoạn văn gồm 800 chữ lấy bối cảnh trước Harry Potter nói về cha
của Harry Potter là James Potter, cùng người cha đỡ đầu là Sirius Black, diễn
ra 3 năm trước khi Harry sinh ra. Những tờ giấy này được gom lại và sắp xếp thứ
tự rồi bán để gây quỹ dưới hình thức sách vào tháng 8 năm 2008.
Vào ngày 1 và 2 tháng 8 năm 2006, bà
đã đọc cùng với Stephen King và John Irving tại Radio City Music Hall ở Thành
phố New York. Thu nhập từ sự kiện này được quyên góp cho Quỹ Haven, một tổ chức
từ thiện hỗ trợ các nghệ sĩ và nhà biểu diễn không có bảo hiểm và không hoạt động
được, và tổ chức y tế phi chính phủ Bác sĩ không biên giới. Vào tháng 5 năm
2007, Rowling hứa sẽ đóng góp hơn 250.000 bảng Anh vào một quỹ tiền thưởng do tờ
báo lá cải News of the World thành lập nhằm trả về cô bé người Anh Madeleine
McCann vốn đã mất tích tại Bồ Đào Nha. Rowling, cùng với Nelson Mandela, Al
Gore, và Alan Greenspan, đã viết phần mở đầu cho một bộ tuyển tập các bài diễn
văn của Gordon Brown, và lợi nhuận được quyên góp cho Phòng thí nghiệm Nghiên cứu
Jennifer Brown. Sau khi bị lộ mặt là tác giả quyển The Cuckoo's Calling khiến
doanh thu tác phẩm tăng vọt, Rowling tuyên bố sẽ quyên tặng toàn bộ tiền thù
lao cho Army Benevolent Fund, và nói rằng mình luôn có ý định này nhưng không
ngờ rằng quyển sách trở thành một tác phẩm bán chạy.
Rowling là thành viên của cả hai tổ
chức English PEN và Scottish PEN. Bà là một trong 50 tác giả đóng góp vào First
Editions, Second Thoughts, một cuộc đấu giá từ thiện cho English PEN. Mỗi tác
giả viết tay vào một phiên bản in lần đầu của một tác phẩm của mình, trong trường
hợp của Rowling là quyển Harry Potter và Hòn đá Phù thủy. Quyển sách là vật đấu
giá cao nhất trong sự kiện, đem lại 150.000 bảng Anh (228.600 USD).
Rowling cũng hỗ trợ Quỹ Shannon, nhà
điều hành các dự án Toe by Toe Reading Plan và Shannon Reading Plan trong các
nhà tù khắp nước Anh, giúp đỡ và dạy kèm các tù nhân mù chữ.
Ảnh hưởng
Rowling đã nêu danh nhà hoạt động dân
quyền Jessica Mitford là người ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc đời mình. Bà cho
biết "Jessica Mitford là anh hùng của tôi từ khi tôi 14 tuổi, khi tôi nghe
được bà họ đáng nể kể về việc Mitford bỏ nhà ở tuổi 19 để theo phe Cộng sản
trong Nội chiến Tây Ban Nha", và nói rằng điều truyền cảm hứng về Mitford
là cô ta "nổi loạn một cách bất trị và có bản năng, can đảm, mạo hiểm, vui
nhộn và bất kính, cô không thích gì hơn là một cuộc chiến đấu tốt đẹp, tốt hơn
là với một đối thủ tự cao tự đại và đạo đức giả". Rowling từng miêu tả
Jane Austen là tác giả bà yêu thích nhất, nêu danh Emma là quyển sách yêu thích
nhất của mình trong tạp chí O, The Oprah Magazine. Lúc còn nhỏ, Rowling cho biết
những ảnh hưởng đầu đời gồm các tác phẩm Sư tử, Phù thủy và cái Tủ áo của C. S.
Lewis, The Little White Horse của Elizabeth Goudge, và Manxmouse của Paul
Gallico.
Các quan điểm
Chính trị
Đối với nhiều người, Rowling được biết
qua quan điểm chính trị trung tả. Vào tháng 9 năm 2008, trước thềm Hội nghị
Công đảng, Rowling tuyên bố bà đã quyên góp 1 triệu bảng Anh cho Công đảng, và
đã công khai tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Công đảng Gordon Brown thay vì đối thủ
là đảng viên Bảo thủ David Cameron, trong lúc đề cao các chính sách của Công đảng
về tệ nạn nghèo đói ở trẻ em. Rowling là bạn thân với Sarah Brown, phu nhân của
Gordon Brown; hai người quen biết nhau khi họ hợp tác trong một dự án từ thiện
cho tổ chức One Parent Families.
Rowling cũng đã bình luận về chính trị
Hoa Kỳ khi bàn luận về cuộc bầu cử tổng thống năm 2008 với tờ báo Tây Ban Nha
El País vào tháng 2 năm 2008, nói rằng cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến thế
giới ngoài nước Mỹ. Bà cũng nói rằng Barack Obama và Hillary Clinton sẽ
"xuất chúng" trong Nhà Trắng. Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Rowling
cho biết Robert F. Kennedy là anh hùng của mình.
Vào tháng 4 năm 2010, một bài Rowling
viết được đăng trên tờ The Times, trong đó bà chỉ trích kế hoạch khuyến khích
những cặp đôi đã kết hôn ở chung với nhau bằng cách cho khoản khấu trừ thuế 150
bảng Anh hàng năm của thủ tướng Bảo thủ đương nhiệm là David Cameron:
"Không ai từng trải qua hoàn cảnh nghèo đói có thể nói rằng 'đó không phải
là vì tiền, mà là vì thông điệp'. Khi căn hộ của bạn đã bị đột nhập, và bạn
không có tiền để trả thợ khóa, đó là vì tiền. Khi bạn còn thiếu hai pence để
mua một hộp đậu nướng, và đứa con của bạn đang đói, nó là vì tiền. Khi bạn có ý
tưởng muốn ăn cắp tã, đó là vì tiền."
Do sinh sống tại Scotland, Rowling có
quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý độc lập năm 2014; bà đã vận động cho
phe chống trong thời gian trước cuộc bỏ phiếu. Bà đã quyên góp 1 triệu bảng Anh
cho chiến dịch chống độc lập Better Together do Alistair Darling, từng là hàng
xóm của bà, điều hành; đây là khoản tiền quyên góp nhiều nhất tổ chức nhận được
tính đến thời điểm đó. Trong một bài blog, Rowling giải thích một bức thư ngỏ từ
các chuyên gia y tế Scotland đã nêu ra các vấn đề trong kế hoạch của Thủ hiến
Thứ nhất Alex Salmond về việc tài trợ chung cho các nghiên cứu. Rowling ví một
số người ủng hộ độc lập Scotland với Tử thần Thực tử, những nhân vật trong
Harry Potter có quan điểm khinh bỉ những người không có dòng máu thuần chủng.
Vào ngày 22 tháng 10 năm 2015, một bức
thư với chữ ký của Rowling (cùng 150 nhân vật khác trong các lĩnh vực nghệ thuật
và chính trị) được đăng trên tờ The Guardian, phản đối nỗ lực tẩy chay văn hóa
nhắm đến Israel, và tuyên bố thành lập một mạng lưới đối thoại với tên gọi Văn
hóa Chung sống (Culture for Coexistence). Giải thích chi tiết hơn về quan điểm
của mình, Rowling nói rằng dù bà phản đối hầu hết mọi hành động của Benjamin
Netanyahu, bà không tin rằng việc tẩy chay văn hóa sẽ khiến ông mất vị trí lãnh
đạo hay sẽ cải tiến tình hình ở Israel và Palestine.
Vào tháng 6 năm 2016, Rowling vận động
kêu gọi Anh ở lại trong Liên minh Châu Âu trước cuộc trưng cầu dân ý về tư cách
thành viên của Anh năm 2016; bà viết trên website của mình rằng, "Tôi là kết
quả tạp chủng của châu Âu này và tôi là một người theo chủ nghĩa quốc tế. Tôi
được dạy dỗ bởi một người mẹ yêu Pháp, với gia đình hãnh diện vì di sản một phần
lai Pháp... Những giá trị của tôi không nằm trong hay bị cấm đoán bới các đường
biên giới. Việc không cần thị thực khi vượt qua kênh đào có ý nghĩa tượng trưng
đối với tôi. Dù tôi không có ở nhà, nhưng tôi vẫn ở quê hương mình." Rowling
nêu lo ngại của mình về việc những "kẻ phân biệt chủng tộc và tin mù
quáng" đang điều hành chiến dịch rời bỏ.
Tôn giáo
Một số nhân vật và tổ chức tôn giáo từng
phản đối và chỉ trích những tác phẩm của Rowling vì họ cho rằng nó đã đề cao
thuật phù thủy. Nhiều sự phản đối đặc biệt đến từ những Kitô hữu, dù chính
Rowling cũng tự nhận là một Kitô hữu, tuyên bố rằng "Tôi tin tưởng vào Thượng
đế, không phải phép thuật." Lúc ban đầu khi viết loạt truyện Harry Potter
và để đáp lại những chỉ trích, Rowling không tiết lộ nhiều về đức tin của mình;
bà tin tưởng rằng nếu độc giả biết được quan điểm tôn giáo của mình, họ sẽ đoán
trước được những tình tiết sẽ xảy ra đối với các nhân vật trong câu chuyện.
Trong năm 2007, Rowling cho biết bà
là người duy nhất trong gia đình thường xuyên đi lễ nhà thờ, và bà theo Giáo hội
Anh. Khi còn là học sinh, bà từng cảm thấy phiền lòng đối với "thói tự mãn
của những người theo tôn giáo" nên ít tham gia hơn. Sau này, bà bắt đầu
gia nhập một giáo đoàn thuộc Giáo hội Scotland cùng lúc khi bà viết Harry
Potter. Con gái cả của bà là Jessica được rửa tội tại đó.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006 với
tạp chíTatler, Rowling cho biết rằng, "như Graham Greene, đức tin của tôi
đôi khi xoay quanh vấn đề đức tin có trở lại hay không. Nó là điều quan trọng đối
với tôi." Bà cho biết bà từng phải đối đầu với ngờ vực, và bà tin tưởng
vào thế giới bên kia, và đức tin của bà đóng vai trò trong những tác phẩm của
mình. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2012, Rowling cho biết bà là thành viên của
Giáo hội Giám nhiệm Scotland, một giáo tỉnh thuộc Khối Hiệp thông Anh giáo.
Trong năm 2015, sau khi cuộc trưng cầu
dân ý về hôn nhân đồng giới ở Ireland, Rowling nói đùa rằng nếu Ireland hợp
pháp hóa hôn nhân đồng tính, Dumbledore và Gandalf có thể kết hôn tại đó. Tổ chức
thù hận Westboro Baptist Church, trả lời rằng nếu hai người kết hôn, họ sẽ biểu
tình phản đối. Rowling đáp lời rằng, "Chao ôi, một sự hợp nhất vĩ đại như
thế này ở một địa điểm như thế sẽ làm vỡ tan những bộ óc nhỏ bé tin mù quáng ra
khỏi sọ dày của chúng mày."
Báo chí
Rowling cho biết bà có mối quan hệ
khó khăn với báo chí, thừa nhận rằng có lần bà "da mỏng" và không
thích thú bản chất luôn thay đổi của ngành này, nhưng bà tranh cãi miêu tả rằng
mình là một người sống ẩn dật không ưa phỏng vấn. Đến năm 2011, Rowling đã có
hơn 50 hành động khiếu nại đối với báo chí. Vào năm 2001, Ủy ban Khiếu nại Báo
chí xác nhận đơn khiếu nại của bà về một loạt ảnh chụp bà và cô con gái tại
Mauritius được xuất bản trên tạp chí OK! mà không có sự chấp thuận của bà. Đến
năm 2007, cậu con trai của Rowling là David, được Rowling và chồng bà nâng đỡ,
đã thua kiện trong nỗ lực cấm xuất bản một bức ảnh của David. Bức ảnh do một
nhiếp ảnh gia chụp với thấu kính tầm xa sau đó đã được xuất bản trên một bài
báo trong tạp chí Sunday Express viết về cuộc sống gia đình của Rowling. Phán
quyết này đã bị lật ngược, thiên về phía David, vào tháng 5 năm 2008.
Đặc biệt, Rowling đã tỏ ý căm ghét
Daily Mail, tờ báo lá cải đã nhiều lần phỏng vấn chồng cũ của bà. Theo như lời
của một nhà báo, "Ông dượng Vernon của Harry là một kẻ ít học lố bịch với
xu hướng hung bạo và đầu óc thật nhỏ bé. Thật là dễ đoán ra Rowling đã cho ông
đọc tờ báo nào [trong quyển Chiếc cốc lửa]." Vào năm 2014, bà đã kiện
thành công tờ Mail vì tội phỉ báng sau khi tờ báo đăng một bài viết về quãng thời
gian bà còn là một bà mẹ đơn thân. Một số người phỏng đoán rằng mối quan hệ đầy
khó khăn với báo chí là nguồn cảm hứng cho nhân vật Rita Skeeter, một nhà báo nổi
tiếng xuất hiện lần đầu trong cuốn Chiếc cốc lửa, nhưng Rowling trong năm 2000
cho biết bà đã phát triển nhân vật từ trước khi mình trở nên nổi tiếng.
Tháng 9 năm 2011, Rowling được nêu
danh là một "người tham gia chính" trong vụ thẩm vấn Leveson về văn
hóa, hoạt động, và đạo đức của ngành báo chí Anh, với tư cách là một trong những
người nổi tiếng trở thành nạn nhân trong các vụ xâm nhập vào điện thoại. Vào
ngày 24 tháng 11 năm 2011, Rowling làm nhân chứng cho vụ thẩm vấn; tuy bà không
bị nghi ngờ là nạn nhân, lời khai của bà bao gồm việc bị các nhiếp ảnh gia đứng
chờ ngay trước cửa nhà, vị hôn phu bị lừa gạt để tiết lộ địa chỉ nhà riêng cho
phòng viên đang giả làm nhân viên từ sở thuế, việc bà phải rượt đuổi một phóng
viên chỉ một tuần sau khi sinh con, một phóng viên để lại một bức thư ngắn trong
cặp sách của cô con gái năm tuổi, và nỗ lực "tống tiền" của tờ The
Sun để chụp ảnh bà để đổi lấy lại một bản thảo bị đánh cắp. Rowling cho biết bà
phải bỏ căn nhà cũ ở Merchiston vì bị báo chí quấy rầy. Vào tháng 11 năm 2012,
Rowling viết một bài xã luận trên tờ The Guardian để phản ứng việc David
Cameron quyết định không thực thi tất cả những đề nghị của kết quả vụ thẩm vấn,
và nói rằng mình cảm thấy "bị lừa dối và tức giận".
Năm 2014, Rowling khẳng định bà ủng hộ
"Hacked Off", một chiến dịch đòi hỏi báo chí tự chỉnh đốn bằng cách
cùng những người nổi tiếng Anh khác ký tên vào một tuyên bố "[bảo vệ] báo
chí từ các can thiệp chính trị trong khi đồng thời đưa bảo trợ thiết yếu cho đối
tượng dễ bị tổn thương".
Tranh chấp pháp lý
Rowling cùng những nhà xuất bản và
Time Warner, đơn vị sở hữu quyền cho loạt phim Harry Potter đã thực hiện nhiều
hành động pháp lý nhằm bảo vệ quyển tác giả của tác phẩm. Do sự nổi tiếng của bộ
sách trên toàn cầu, có nhiều phiên bản, phần tiếp theo, hay sản phẩm hùa theo
đã được xuất bản mà chưa nhận sự cho phép của tác giả hay đơn vị giữ bản quyền,
dẫn đến nỗ lực để cấm hay ngăn chận chúng.
Một lĩnh vực tranh chấp pháp lý liên
quan đến các lệnh tòa theo yêu cầu của Rowling và các nhà xuất bẩn cấm bất cứ
ai đọc sách của bà trước ngày chính thức xuất bản. Những lệnh cấm này gặp chỉ
trích từ những người hoạt động dân quyền và tự do ngôn luận và đã dẫn đến những
cuộc tranh luận về "quyền được đọc".
Giải thưởng
Rowling nhận nhiều bằng danh dự từ Đại
học St Andrews, Đại học Edinburgh, Đại học Edinburgh Napier, Đại học Exeter (mà
bà đã theo học), the Đại học Aberdeen, và Đại học Harvard, nơi bà phát biểu tại
lễ phát bằng. Năm 2009, Rowling được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trao cấp bậc
Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội tinh (Chevalier de la Légion d'honneur). Năm 2002, Rowling
trở thành một Hội viên Danh dự của Hội Hoàng gia Edinburgh (HonFRSE) và Hội
viên Hội Văn học Hoàng gia (FRSL). Bà cũng được vinh danh thành Hội viên Đoàn
thể Bác sĩ Hoàng gia Edinburgh (FRCPE) vào năm 2011 cho những cống hiến trong
lĩnh vực Văn học và Từ thiện.
Những giải thưởng khác bà đã nhận gồm có:
·
1997: Giải sách Nestlé Smarties, Huy
chương Vàng cho Harry Potter và Hòn đá Phù thủy
·
1998: Giải sách Nestlé Smarties, Huy
chương Vàng cho Harry Potter và Hòn đá Phù thủy
·
1998: British Children's Book of the
Year, Harry Potter và Hòn đá Phù thủy
·
1999: Giải sách Nestlé Smarties, Huy
chương Vàng cho Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban
·
1999: National Book Awards Children's
Book of the Year, Harry Potter và Phòng chứa bí mật
·
1999: Whitbread Children's Book of the
Year, Harry Potter và tên tù nhân ngục Azkaban
·
2000: Giải sách Anh, Tác giả của năm
·
2000: Huân chương Đế quốc Anh (OBE),
cho những cống hiến vào Văn học Thiếu nhi
·
2000: Giải Locus, Harry Potter và tên
tù nhân ngục Azkaban
·
2001: Giải Hugo cho Tiểu thuyết hay
nhất, Harry Potter và Chiếc cốc lửa
·
2003: Premio Príncipe de Asturias,
Concord
·
2003: Giải Bram Stoker cho Best Work
for Young Readers, Harry Potter và Hội Phượng hoàng
·
2006: Giải Sách Anh, Sách của Năm,
Harry Potter và Hoàng tử lai
·
2007: Blue Peter Badge, Huy chương
vàng
·
2007: Được Barbara Walters chọn làm
Nhân vật Gây chú ý nhất trong năm
·
2008: Giải Sách Anh, Thành tích xuất
sắc
·
2008: Giải Edinburgh
·
2010: Giải Văn học Hans Christian
Andersen, người thắng giải đầu tiên.
·
2011: Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn
lâm Anh Quốc, Cống hiến xuất sắc Anh cho điện ảnh, cho loạt phim Harry Potter,
chia sẻ với David Heyman, cùng đoàn làm phim.
·
2012: Freedom of the City of London
·
2012: Rowling là một trong những biểu
tượng văn hóa Anh được họa sĩ Peter Blake chọn đưa vào một phiên bản mới của
tác phẩm nổi tiếng nhất của ông— hình bìa album Sgt. Pepper's Lonely Hearts
Club Band của The Beatles—để vinh danh những nhân vật văn hóa trong cuộc đời
ông.
·
2017: Huân chương Danh dự (CH) năm
2017 cho những cống hiến vào văn học và từ thiện.
·
2018: Giải Tony cho vở kịch hay nhất
cho Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa, với tư cách thành viên của đoàn sản
xuất kịch Harry Potter.
·
2019: Trong trận đấu đầu tiên vào
tháng 3 năm 2019, mỗi thành viên trong Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Hoa Kỳ đều
mang chiếc áo với tên một phụ nữ mà họ vinh danh ở phía sau; cầu thủ Rose
Lavelle chọn tên Rowling.
·
2021: Giải Sách Anh hạng mục Sách
hình sự và Trinh thám, cho Troubled Blood.
Sách báo
Trẻ em
·
The Ickabog (10 tháng 11 năm 2020)
·
The Christmas Pig (12 tháng 10 năm
2021)
Tuổi mới lớn
Bộ truyện Harry Potter
·
Harry Potter và Hòn đá Phù thủy
(Harry Potter and the Philosopher's Stone, 26 tháng 6 năm 1997)
·
Harry Potter và Phòng chứa Bí mật
(Harry Potter and the Chamber of Secrets, 2 tháng 7 năm 1998)
·
Harry Potter và Tên tù nhân ngục
Azkaban (Harry Potter and the Prisoner of Azkaban, 8 tháng 7 năm 1999)
·
Harry Potter và Chiếc cốc lửa (Harry
Potter and the Goblet of Fire, 8 tháng 7 năm 2000)
·
Harry Potter và Hội Phượng Hoàng
(Harry Potter and the Order of the Phoenix, 21 tháng 6 năm 2003)
·
Harry Potter và Hoàng tử lai (Harry
Potter and the Half-Blood Prince, 16 tháng 7 năm 2005)
·
Harry Potter và Bảo bối Tử thần (Harry
Potter and the Deathly Hallows, 21 tháng 7 năm 2007)
Các tác phẩm liên quan
·
Những sinh vật huyền bí và nơi tìm ra
chúng (Fantastic Beasts and Where to Find Them, 1 tháng 3 năm 2001), bổ sung
·
Quidditch qua các thời đại (Quidditch
Through the Ages, 1 tháng 3 năm 2001), bổ sung
·
Những chuyện kể của Beedle Người Hát
Rong (The Tales of Beedle the Bard, 4 tháng 12 năm 2008), bổ sung
·
Harry Potter và đứa trẻ bị nguyền rủa
(Harry Potter and the Cursed Child, 31 tháng 7 năm 2016), kịch 2 phần
·
Short Stories from Hogwarts of Power,
Politics and Pesky Poltergeists (6 tháng 9 năm 2016), tập truyện, ebook
·
Short Stories from Hogwarts of
Heroism, Hardship and Dangerous Hobbies (6 tháng 9 năm 2016), tập truyện, ebook
·
Hogwarts: An Incomplete and
Unreliable Guide (6 tháng 9 năm 2016), tập truyện, ebook
·
Fantastic Beasts and Where to Find
Them: The Original Screenplay (Sinh vật huyền bí và nơi tìm ra chúng, 19 tháng
11 năm 2016), kịch bản phim
·
Fantastic Beasts: The Crimes of
Grindelwald – The Original Screenplay (Sinh vật huyền bí: Tội ác của
Grindelwald,16 tháng 11 năm 2018), kịch bản phim
·
Harry Potter: A History of Magic
(Harry Potter: Lịch sử pháp thuật, 2018)
·
Harry Potter: Hành trình xuyên lịch sử
pháp thuật (Harry Potter: A Journey Through a History of Magic, 2018)
Người lớn
·
The Casual Vacancy (27 tháng 9 năm
2012)
Bộ truyện Thám tử Cormoran Strike
(bút danh Robert Galbraith)
1.
The Cuckoo's Calling (18 tháng 4 năm
2013)
2.
The Silkworm (19 tháng 6 năm 2014)
3.
Career of Evil (20 tháng 10 năm 2015)
4.
Lethal White (18 tháng 9 năm 2018)
5.
Troubled Blood (15 tháng 9 năm 2020)
Sách khác
·
McNeil, Gil và Brown, Sarah, biên tập
(2002). Lời mở đầu cho tuyển tập Magic. Bloomsbury.
·
Brown, Gordon (2006). Lời mở đầu cho
"Ending Child Poverty" trong Moving Britain Forward. Selected
Speeches 1997–2006. Bloomsbury.
·
Sussman, Peter Y., biên tập (26 tháng
7 năm 2006). "The First It Girl: J. K. Rowling reviews Decca: the Letters
by Jessica Mitford". The Daily Telegraph.
·
Anelli, Melissa (2008). Lời mở đầu
cho Harry, A History. Pocket Books.
·
Rowling, J. K. (5 tháng 6 năm 2008).
"The Fringe Benefits of Failure, and the Importance of Imagination".
Harvard Magazine.
·
J. K. Rowling, Very Good Lives: The
Fringe Benefits of Failure and Importance of Imagination, Joel Holland minh họa,
Sphere, 14 tháng 4 năm 2015, 80 trang (ISBN 978-1-4087-0678-7).
·
Rowling, J. K. (30 tháng 4 năm 2009).
"Gordon Brown – The 2009 Time 100". Tạp chí Time.
·
Rowling, J. K. (14 tháng 4 năm 2010).
"The Single Mother's Manifesto". The Times.
·
Rowling, J. K. (30 tháng 11 năm
2012). "I feel duped and angry at David Cameron's reaction to
Leveson". The Guardian.
·
Rowling, J. K. (17 tháng 12 năm
2014). Isn't it time we left orphanages to fairytales? The Guardian.
·
Rowling, J. K. (guest editor) (28
tháng 4 năm 2014). "Woman's Hour Takeover". Woman's Hour, BBC Radio
4.
·
Rowling J.K. (cộng tác) (31 tháng 10
năm 2019) A Love Letter to Europe.
Nguồn WIKIPEDIA