Lương Thế Vinh – Nhà toán học, Chính trị gia thời Lê sơ Việt Nam
Lương Thế Vinh
(chữ Hán: 梁世榮,; 1 tháng 8 năm 1441 - 2 tháng 10 năm 1497, tên hiệu là Thụy
Hiên) là một nhà toán học, Phật học, và chính trị gia thời Lê sơ. Ông đỗ trạng
nguyên dưới triều Lê Thánh Tông và làm quan tại viện Hàn Lâm. Ông được biết đến
nhiều nhất bởi các tác phẩm do ông biên soạn ở các lĩnh vực toán học, văn hóa.
Ông cũng còn được biết đến là một trong 28 nhà thơ của hội Tao Đàn do vua Lê
Thánh Tông lập năm 1495.
Tiểu sử
Lương Thế Vinh sinh ngày 1 tháng 8
năm Tân Dậu (tức ngày 17 tháng 8 năm 1441) tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản,
Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định),
tên tự là Cảnh Nghị. Từ nhỏ Lương Thế Vinh đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc,
nhanh hiểu, và khả năng sáng tạo trong các trò chơi như đá bóng, thả diều, câu
cá, bẫy chim. Nhờ khả năng về toán học và đo lường mà sau này ông được nhân dân
gọi tên là Trạng Lường khi đỗ trạng nguyên.
Năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ Đệ nhất
giáp tiến sĩ cập đệ nhất danh (trạng nguyên) khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận
thứ 4, đời Lê Thánh Tông.
Vua Lê Thánh Tông ban tặng Cờ hoa Tam
Khôi cho ba vị đỗ đầu:
Trạng nguyên Lương Thế Vinh
Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh
Thám hoa Quách Đình Bảo
Thiên hạ cộng tri danh
Các năm sau đó, ông làm quan với các
chức Trực học sĩ, Thị thư và Chưởng viện sự ở viện Hàn lâm. Trong quá trình làm
quan, ông được nhận định là có tính cách bình dị, mến dân, trung thực và khả
năng châm biếm khôi hài trong việc răn dạy từ vua đến quan. Trong thời gian
này, ông tiến hành biên soạn tác phẩm Đại thành toán pháp, một tài liệu toán học
sau đó được chính thức đưa vào chương trình thi cử suốt 450 năm trong lịch sử
giáo dục Việt Nam. Ông cũng được xem là người chế ra bàn tính gẩy cho người Việt,
lúc đầu làm bằng đất rồi bằng trúc, bằng gỗ, sơn màu khác nhau, đẹp và dễ tính,
dễ nhớ.
Ngoài công việc hàn lâm trong triều,
Lương Thế Vinh còn được vua giao việc soạn thảo những văn thư ngoại giao với
nhà Minh. Triều Minh thường khen ngợi những văn thư ngoại giao này. Lương Thế
Vinh cũng có những nghiên cứu về âm nhạc dân gian, như hát chèo. Ông được vua
Lê Thánh Tông giao cho cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận chế định ra các lễ nhạc
của triều đình.
Ông cũng được biết đến với nhiều tác
phẩm thơ chữ Nôm. Ông được cho là tác giả của Thập giới Cô hồn Quốc ngữ văn,
còn gọi là Phật kinh Thập giới. Đây là áng văn Nôm cổ gồm đoạn mở đầu và 10 đoạn
nói về 10 giới cô hồn: Thiền tăng, đạo sĩ, quan liêu, nho sĩ, thiên văn-địa lý,
lương y, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử. Mỗi đoạn có một bài tán
và kết thúc bằng bài kệ 8 câu. Vì sáng tác Phật kinh Thập giới, Lương Thế Vinh
bị các bạn đồng nghiệp chê và ông không được ghi tên trong văn miếu Khổng Tử.
Tuy nhiên, thiền sư Thích Nhất Hạnh
cho rằng Lương Thế Vinh không viết bài này vì bài kệ của đoạn về Thiền tăng có
giọng đùa bỡn, không phù hợp với một người có nhiều cảm tình với Phật giáo như
Lương Thế Vinh. Theo học giả Lê Mạnh Thát, Thập giới cô hồn văn là một tác phẩm
của vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497).
Ông mất ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn
(tức ngày 2 tháng 10 năm 1496) tại quê nhà, thọ 55 tuổi.
Khi ông qua đời, vua Lê Thánh Tông rất
thương tiếc và viết một bài thơ khóc Trạng:
Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua
Gióng khách chương đài kiếp tại nhà
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa
Khí thiên đã lại thu sơn nhạc
Danh lạ còn truyền để quốc gia
Khuất ngón tay than tài cái thế
Lấy ai làm Trạng nước Nam ta
Giai thoại
Về sự sáng tạo của Lương Thế Vinh hồi
nhỏ, có giai thoại kể rằng một lần trong lúc đang chơi đùa với các bạn, có một
quả bưởi lăn xuống một hố hẹp và sâu, tưởng như không lấy lên được. Lương Thế
Vinh đã nghĩ ra cách lấy bưởi lên bằng việc đổ nước vào hố và lợi dụng việc bưởi
nổi trên nước để lấy lại quả bưởi.
Về phong cách học tập của Lương Thế
Vinh, có giai thoại so sánh ông với Quách Đình Bảo cũng là người nổi tiếng về
thông minh, học giỏi ở vùng Sơn Nam (Ngày nay thuộc Thái Bình và Nam Định). Khi
sắp đến kỳ thi của triều đình, Quách Đình Bảo thì ngày đêm dùi mài kinh sử quên
ngủ, quên ăn; còn Vinh thì thư giãn, thả diều cùng bạn bè. Kì thi đó Quách Đình
Bảo đỗ đầu nhưng đến khoa thi Đình (kì thi Quốc gia) Quý Mùi năm Quang Thuận thứ
tư, đời vua Lê Thánh Tông (1463) Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên (đỗ đầu), Quách
Đình Bảo chỉ đỗ thám hoa (đỗ thứ 3).
Sự sáng tạo khoa học của Lương Thế
Vinh được truyền khẩu qua câu chuyện ông tiếp đón sứ nhà Minh là Chu Hy. Hy đã
nghe nói về Lương Thế Vinh, không những nổi tiếng về văn chương, âm nhạc mà còn
tinh thông toán học, nên thách đố Vinh cân một con voi. Lương Thế Vinh đưa voi
lên một chiếc thuyền rồi đánh dấu mép nước bên thuyền, sau đó dắt voi lên. Tiếp
theo, ông ra lệnh đổ đá hộc xuống thuyền, cho đến lúc thuyền chìm xuống đến
đúng dấu cũ. Việc còn lại là đưa từng viên đá lên cân và cộng kết quả. Chu Hy
thán phục ông nhưng tiếp tục đố ông đo bề dày của một tờ giấy xé ra từ một quyển
sách. Khi nghe ông nói chỉ cần đo bề dày cả cuốn sách rồi chia đều cho số tờ là
ra ngay kết quả, Chu Hy ngửa mặt lên trời than: "Nước Nam quả có lắm người
tài !". Lương Thế Vinh đáp lại rằng người nghĩ ra cách cân voi thật sự là
Tào Xung, con của Tào Tháo. Điều này càng khiến cho sứ giả hổ thẹn vì chưa thuộc
sử nước nhà.
Tác phẩm
Toán học:
·
Đại thành Toán pháp
·
Khải minh Toán học
Lịch sử hát chèo:
·
Hý phường phả lục
Phật học:
·
Thiền môn Khoa giáo (còn gọi là Thích
điển Giáo khoa)
·
Bài tựa sách Nam Tông Tự Pháp Đồ
(sách lịch sử đạo Phật Việt Nam do thiền sư Thường Chiếu, tịch năm 1203, viết
ra)
Hình ảnh công cộng
Hiện nay tại Việt Nam, tên ông còn được
đặt cho nhiều tuyến đường lớn ở Hà Nội, Quảng Trị, Đồng Hới, Nha Trang, Hải
Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh,... Tên của ông còn được đặt cho ngôi trường cùng
tên ở Hà Nội và các trường học ở nhiều nơi khác tại quốc gia này.
Sưu tầm THẾ GIỚI DANH NHÂN
0 comments:
Đăng nhận xét